Làm gì khi bị hàng xóm chiếm đoạt đất đai?

27/09/2020 14:58

Theo dõi trên

Trên thực tế xảy ra rất nhiều vụ việc người dân bị hàng xóm liền kề chiếm đoạt đất đai. Đây vừa là hành vi vi phạm pháp luật, vừa trái đạo đức, vì lòng tham mà làm mất tình làng nghĩa xóm, mất đoàn kết trong khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT.

Nếu chính quyền địa phương vào cuộc sớm, giải quyết dứt điểm, thấu tình đạt lý thì việc sẽ trở nên đơn giản. Ngược lại, nếu bàng quan, lơ là, cho là việc nhỏ, thì có thể nảy sinh những bất đồng, dễ dẫn đến xô xát, thậm chí có thể gây ra những vụ trọng án.

Việc chiếm đoạt đất của người khác sẽ bị xử lý hành chính hay hình sự thì nhiều người dân cũng chưa nắm được. Từ đó dẫn đến việc khi xảy ra thì mỗi người xử lý một kiểu. Người cho rằng đất thuộc quyền sử dụng của mình mà người khác chiếm đoạt thì phải dùng bạo lực để giành lại. Người thì lại đơn thư gửi đến chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Thế nhưng không phải chính quyền địa phương ở đâu cũng đánh giá được vấn đề và có các biện pháp xử lý phù hợp. Vậy việc chiếm đoạt đất đai của người khác sẽ bị xử lý hành chính hay hình sự, chúng tôi sẽ phân tích cụ thể qua một vụ việc dưới đây.

Đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp...

Vợ chồng ông Lê Văn Tâm (SN 1959) và bà Nguyễn Thị Dung (SN 1961) cùng trú tại xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội. 

Tại “Phiếu thu tiền” số 01 do UBND xã Thọ An xác nhận ngày 22-3-1997, thể hiện ông Tâm “Nộp tiền mua đất giãn dân khu ao Đạc Nhất. Số tiền 2.000.000 đồng (4 thước)”. 

trung00020106still018

Hộ ông Tâm nộp tiền và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế

Tại văn bản xác nhận ngày 30-5-2011 của UBND xã Thọ An, khẳng định gia đình bà Dung - Tâm được quyền sử dụng 96m2 tại Đạc Lão, số thửa 560, tờ bản đồ số 06. Văn bản cũng thể hiện rõ thửa đất 96m2 và có ranh giới rõ ràng, cụ thể: Phía đông giáp đất cũ nhà ông bà Tâm - Dung, phía tây giáp đường làng, phía bắc giáp nhà ông Lê Văn Nhường, phía nam giáp ao làng. 

Căn cứ khác: Ngày 28-6-2019, Thông báo số 69/TB-UBND do ông Nguyễn Trần Quyết, chủ tịch UBND xã Thọ An ký, “về việc công khai danh sách hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện, không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ ở lần đầu ở xã Thọ An”, cũng thể hiện ông Lê Văn Tâm đứng tên thửa đất 96m2 nói trên với nội dung “xã bán năm 1997, đất giãn dân, 96m2. Đã nộp đủ tiền sử dụng đất vào ngân sách xã. Có hoá đơn, chưa xây nhà”.

trung00024220still019

Thửa đất 96m2 có ranh giới rõ ràng

Ngoài các tài liệu của UBND xã Thọ An thể hiện quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng ông bà Tâm - Dung với thửa đất trên, một số cán bộ xã nay đã nghỉ hưu cũng làm đơn xác nhận cho nhà ông bà Tâm - Dung. Cụ thể, ngày 10-5-2020, bà Đào Thị Tần, cụm trưởng cụm dân cư số 5, xác nhận việc ông bà Tâm - Dung mua đất và “nộp thuế đầy đủ thửa đất 96m2 không thiếu năm nào”. Cùng ngày, ông Lê Phú Lỷ, nguyên chủ tịch UBND xã Thọ An nhiệm kỳ 1994 - 1999), cũng xác nhận bằng văn bản: “UBND xã bán đất giãn dân khu ao Đạc Lão do đất không có khả năng canh tác, đã có số liệu, sơ đồ trong danh bạ của địa chính xã. Số tiền mua đất ông bà Dung Tâm đã nộp đủ vào ngân sách xã. UBND xã đã triển khai cắm đất cho gia đình ông bà Dung Tâm là đúng”. 

Các tài liệu cũng thể hiện vợ chồng ông bà Tâm - Dung nộp thuế đất đầy đủ, thể hiện tại biên lai thu thuế đất mới nhất ngày 21-7-2020. 

… Tự dưng bị chiếm đoạt

Theo đơn tố cáo ông bà Tâm - Dung gửi Công an huyện Đan Phượng và UBND xã Thọ An: Từ năm 2019, lợi dụng việc địa phương xây dựng, chỉnh trang ao làng, hộ gia đình hàng xóm là ông Lê Văn Nhường đã đổ đất trái phép lên thửa đất 96m2 của nhà ông bà Tâm - Dung, sau đó tiến hành xây dựng công trình kiên cố, công khai chiếm đoạt thửa đất này. 

Ngày 18-5-2020, Đại tá Nguyễn Văn Khanh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA huyện Đan Phượng ký Thông báo số 06/TB-CSĐT gửi vợ chồng ông bà Tâm - Dung, cho biết: Việc ông bà Tâm - Dung tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã Thọ An, vì vậy CA huyện Đan Phượng đã chuyển đơn về UBND xã Thọ An giải quyết. 

trung00055321still020

UBND xã đã đình chỉ việc xây dựng trái phép

Thông tin tới PV, vợ chồng ông bà Tâm - Dung cho biết, cũng đã gửi đơn tố cáo đến UBND xã Thọ An từ tháng 5/2020 và đã được mời ra xã làm việc. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn giải quyết, trả lời theo Luật tố cáo, công dân vẫn chưa nhận được trả lời theo quy định. 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trần Quyết, chủ tịch UBND xã Thọ An, cũng khẳng định xã có bán và bàn giao cho vợ chồng ông bà Tâm - Dung diện tích 96m2. Theo ông Quyết, trong quá trình quản lý, sử dụng vợ chồng ông bà Tâm - Dung đã lơ là, chưa chú ý bảo vệ tài sản, nên xảy ra tranh chấp. Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, UBND xã mời các nguyên lãnh đạo xã thời kỳ trước để tham khảo ý kiến. Ông Quyết khẳng định phía nhà ông Nhường không có giấy tờ gì liên quan thửa đất trên, và xã đã tiến hành đình chỉ công trình xây dựng trái phép. Người đứng đầu UBND xã khẳng định, chính quyền địa phương đang tích cực giải quyết vụ việc. 

Xử lý hành chính hay hình sự?

Trên thực tế, nhiều cá nhân, gia đình đã thiếu bình tĩnh, khi bị người khác chiếm đoạt đất đai thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình, thì lựa chọn phương pháp bạo lực để giải quyết, từ đó gây mất ANTT địa phương, hoặc có thể một trong hai bên phạm pháp hình sự. Khi đó mọi sự hối hận đều trở nên muộn màng. Một số khác thì tìm tới sự giúp đỡ của pháp luật. Tuy nhiên, ở nhiều nơi việc giải quyết còn chậm trễ, dẫn tới người dân mất kiên nhẫn và tìm cách “tự xử”, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. 

Theo quy định của Luật đất đai, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc về UBND cấp xã. Nếu việc giải quyết của UBND cấp xã không đúng quy định, người dân có quyền gửi đơn thư khiếu nại lên cấp quận, huyện và Thành phố. 

Tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5-1-2020, việc lấn chiếm đất là một hành vi vi phạm. Thẩm quyền xử phạt hành chính được quy định tại Điều 38, Điều 39 của Nghị định này, bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp và Thanh tra chuyên ngành. Quy trình xử phạt: Bước 1, người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải kịp thời lập biên bản vi phạm. Bước 2, trong thời hạn 7 ngày từ ngày lập biên bản, người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt. Nếu vượt thẩm quyền phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt. Bước 3, thi hành quyết định xử phạt. Bước 4 là tổ chức cưỡng chế. 

Trong một số trường hợp, nếu đủ căn cứ, Cơ quan CSĐT có thể khởi tố vụ án hình sự theo Điều 228 Bộ luật hình sự quy định về “Tội vi phạm các quy định sử dụng đất đai”, với khung hình phạt theo Điểm 1 cao nhất tới 3 năm tù giam. 

Người dân cần nắm rõ các quy định trên, để tự bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại. 

 

Phóng viên
Bạn đang đọc bài viết "Làm gì khi bị hàng xóm chiếm đoạt đất đai?" tại chuyên mục Pháp luật. Hotline: 088 888 2323 - 0986 836 036

Quý đơn vị có nhu cầu quảng cáo vui lòng liên hệ hotline 0986.836.036