Hà Nội: Xử lý nhiều học sinh điều khiển xe máy, "quên" đội mũ bảo hiểm

Thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh để cho con em mình tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy trở nên ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, việc học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm… tiềm ẩn nhiều nguy cơ về TNGT.

Hình ảnh nhiều thanh, thiếu niên mặc đồng phục cấp 2, cấp 3 điều khiển xe máy đi học, không đội mũ bảo hiểm đang diễn ra phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tai nạn giao thông trong học sinh tăng cao.

v1-1713601076.jpg
Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, CATP Hà Nội) xử lý nhiều học sinh vi phạm Luật giao thông

Cụ thể, nhiều trường hợp chở 3-4 người, đi thành hàng hai, hàng ba, thậm chí lạng lách, đánh võng. Thêm vào đó, một số học sinh điều khiển phương tiện với tốc độ cao, không tuân thủ luật giao thông, gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người tham gia giao thông khác.

Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Công an và kế hoạch của Công an TP. Hà Nội về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, sáng ngày 19/4, Đội CSGT số 6, thuộc Phòng CSGT, CATP Hà Nội do Thiếu tá Lê Văn Đông làm tổ trưởng đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Đúng vào giờ cao điểm buổi sáng, tại khu vực ngã ba đường Phạm Văn Đồng giao phố Doãn Kế Thiện (quận Cầu Giấy), đoạn gần trường THPT Hermann Gmeiner, không khó để bắt gặp nhiều học sinh sử dụng xe gắn máy, xe mô tô có dung tích xi-lanh trên 50cm3 tham gia giao thông. 

Trong đó, nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm đi thành hàng hai, hàng ba, phóng nhanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông. 

Phát hiện, tổ công tác Đội CSGT số 6 tiến hành dừng một số phương tiện để kiểm tra, xử lý. Thấy vậy, nhiều phương tiện khác đã tìm cách luồn lách, thậm chí là bỏ chạy.

Theo ghi nhận của PV Người đưa tin TV, chỉ trong thời gian ngắn buổi sáng, Đội CSGT số 6 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện đối với nhiều trường hợp vi phạm với các lỗi như không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô; điều khiển xe mô tô có dung tích xi-lanh trên 50cm3 đối với học sinh chưa đủ 16 tuổi.

v3-1713601087.jpg
v2-1713601083.jpg

Các trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông bị lập biên bản, tạm giữ phương tiện, phối hợp với gia đình và nhà trường để xử lý

Theo Thiếu tá Lê Văn Đông, tổ trưởng tổ công tác đội CSGT số 6: “Hành vi vi phạm của các em học sinh được đánh giá rất nguy hiểm. Thứ nhất là một số học sinh chưa đủ 14 tuổi đã điều khiển xe mô tô. Thứ hai là các cháu từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe có dung tích xi-lanh trên 50cm3 và không có giấy phép lái xe sẽ rất nguy hiểm.”

Cũng theo Thiếu tá Đông, thời gian qua, ngoài việc tuần tra, xử lý vi phạm đối với các em học sinh thì Đội CSGT số 6 đã chủ động kết hợp với địa phương để tuyên truyền tới từng trường học, các bậc phụ huynh để nhà trường và bậc phụ huynh cam kết tuyên truyền, nhắc nhở tới các em học sinh để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, đặc biệt là khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.

Luật Giao Thông đường bộ 2008 có quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông, theo đó người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe theo quy định Điều 58, Điều 60 Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về độ tuổi lái xe như sau: người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

Trường hợp không đủ tuổi để điều khiển các loại xe như trên (đồng nghĩa với việc chưa được cấp giấy phép lái xe) là hành vi vi phạm, có thể bị xử phạt. Theo Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới:

- Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên;

Bên cạnh đó việc xử phạt đối với hành vi điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe như sau:

- Dưới 16 tuổi thì sẽ không bị phạt tiền mà chỉ bị phạt cảnh cáo, cảnh cáo bằng văn bản và ra Quyết định xử phạt;

- Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị phạt 500.000 đồng.

- Đủ 18 tuổi thì bị phạt 1.000.000 đồng;

Trường hợp nếu chưa đủ 18 tuổi hoặc không có bằng lái (trừ xe gắn máy, dưới 50cm3) nghĩa là không đủ điều kiện lái xe, người giao xe (chủ xe) cho người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức.

Như vậy, nếu chưa đủ tuổi hoặc không có GPLX thì ngoài việc người điều khiển bị phạt ra, người giao xe cũng bị liên đới trách nhiệm và bị phạt.

Minh Huế - Quỳnh Trang

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/ha-noi-xu-ly-nhieu-hoc-sinh-dieu-khien-xe-may-quen-doi-mu-bao-hiem-p10052.html