Có lẽ những cụm từ như: “Đòi lại vỉa hè” hay “giành lại vỉa hè” đã quá quen thuộc với nhiều người khi thời gian vừa qua, Ban chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 01, quyết tâm giải quyết các vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng trên toàn thành phố, không “đánh trống bỏ dùi”. Động thái này nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân Thủ đô.
Kế hoạch trên một phần cho thấy sự quyết tâm của thành phố, một phần cho thấy thực trạng vỉa hè bị lấn chiếm, chiếm dụng thực sự đã trở thành một vấn nạn kéo dài dai dẳng suốt nhiều năm. Thực trạng ấy gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội như mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh môi trường, thất thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Thế nhưng, tại một số khu vực ở quận Hà Đông, sau hơn 1 năm thực hiện, có lẽ quyết tâm ấy đã bị mai một, những kế hoạch, khẩu hiệu trước kia giờ chỉ còn… trên giấy. Thậm chí còn xuất hiện dấu hiệu “bảo kê”, “tham nhũng vỉa hè”.
Khu đô thị Đô Nghĩa (phường Yên Nghĩa) được đầu tư xây dựng với những tuyến phố rộng và đẹp mắt. Vỉa hè sinh ra vốn dành cho người đi bộ, nay đã bị nhiều chủ nhà hàng, quán ăn độc chiếm, biến từ của chung thành của riêng để kinh doanh, tạo nên một hình ảnh khu phố nhếch nhác, lộn xộn.
Những tuyến phố gần đó, nhiều hàng quán cũng đua nhau lấn chiếm vỉa hè một cách công khai, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Trong đó có cả hàng quán di động và cả lều lán tạm bợ được dựng trái phép kéo dài hàng trăm mét.
Đi qua khu vực này, người dân đi trên vỉa hè mà như đi giữa nhà hàng, quán nhậu nên phải bất đắc dĩ đi xuống lòng đường với nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông.
Có lẽ, quan điểm “vỉa hè trước cửa nhà mình là của mình” đã trở thành suy nghĩ cố hữu và bất biến của rất nhiều cơ sở kinh doanh có vỉa hè trước nhà. Vỉa hè được coi là giá trị tăng thêm khi thuê nhà, nhà nào có vỉa hè rộng rãi phía trước để sử dụng thì sẽ có giá hơn.
Lấn chiếm để kinh doanh khu vực vỉa hè trước cửa nhà là một chuyện, gần đó,
quanh Khu chung cư Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô còn đang xảy ra tình trạng “xẻ thịt”, “phân lô” cả khu vực vỉa hè vườn hoa công cộng.
Khu chung cư Bộ Tư lệnh Quân khu thủ đô có 3 tòa nhà cao tầng với mật độ cư dân đi lại rất lớn. Đường vào khu chung cư vốn đã chật hẹp nay lại bị lấn chiếm cả hai bên đường để kinh doanh hàng quán.
Người phụ nữ này được coi là bà “trùm” có tiếng tại đây, khi “sở hữu” quyền sử dụng từ lòng đường đến vỉa hè, thậm chí là cả hàng chục m2 đất của khu công viên cây xanh, để tạo thành một “trung tâm ăn uống” theo kiểu… tạm bợ, nhếch nhác.
Dù độc chiếm nhiều đoạn vỉa hè và chưa sử dụng hết, nhưng người này vẫn ích kỷ để nhiều chướng ngại vật dưới lòng đường nhằm không cho ai sử dụng hay đỗ xe tại đây. Việc này vô tình tạo thành những cái bẫy cho người tham gia giao thông, nhất là vào ban đêm và giờ cao điểm.
Có lẽ, hành động thiết thực nhất bây giờ là việc tiếp tục duy trì chiến dịch “giành lại vỉa hè” theo kế hoạch đã đề ra của Thành phố - một cách thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo phường Yên Nghĩa, lãnh đạo quận Hà Đông trong việc đập tan những lời đồn thổi trên. Và đây cũng là điều cần làm để phường Yên Nghĩa nói riêng và quận Hà Đông nói chung thực sự là một phường, một quận văn minh, hiện đại.
Nhóm PV
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/tang-cuong-quan-ly-trat-tu-do-thi-o-ha-dong-ha-noi-p10058.html