Công tác quản lý đất đai và đặc trưng phát triển làng nghề: (Bài 1) Cần hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Hà Nội được biết đến là đất "trăm nghề", đến nay các làng nghề đã có sự tăng trưởng, nâng cao đời sống cho người dân. Để có được những giá trị như vậy, Trung ương và TP Hà Nội cũng đã ban hành chính sách, giải pháp để phát triển tối ưu làng nghề truyền thống tại các địa phương. Tuy nhiên, tại một số làng nghề, giữa thực thi chính sách và thực tiễn có nhiều mâu thuẫn, gây khó khăn cho cả người dân và chính quyền cơ sở.

Chính quyền làm nghiêm…

Nhắc đến địa danh làng hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) thì người dân Hà Nội và nhiều địa phương khác đều biết tới, bởi đây là vùng đất trồng hoa nổi tiếng, cũng thuộc diện có “thứ hạng” ở Việt Nam. Năm 2018, làng hoa Tây Tựu chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống của Thủ đô. Không chỉ tăng thêm độ nổi tiếng, mà làng nghề hoa tại nơi đây có cơ hội ngày càng phát triển hơn. 

Ở hai nhiệm kỳ lãnh đạo chính quyền cơ sở gần nhất, cả hai vị chủ tịch phường là ông Đặng Trần Phi (hiện đã chuyển công tác lãnh đạo sang phường khác) và ông Nguyễn Quang Thậm (đương kim chủ tịch phường) đã có những quyết sách quan trọng để phát triển làng nghề hoa, đồng thời với công tác quản lý đất đai, xây dựng. Những tồn tại cũ được khoanh vùng, giám sát. Những vi phạm mới được phát hiện, ngăn chặn sớm, hạn chế phát sinh. Công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn có những dấu hiệu tích cực hơn so với những năm trước, đó là kết quả nỗ lực của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ phường Tây Tựu. 

9544e95a-5b90-48d4-b105-2f1e729e00b1-1727870215.jfif
Làng hoa Tây Tựu được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2018

Tuy nhiên, với đặc trưng của một làng nghề truyền thống, lại đang trong sự phát triển mạnh mẽ nhờ những chính sách và sự quan tâm của TP Hà Nội, đã phát sinh những mâu thuẫn trong thực tế, giữa nhu cầu chuyển dịch, thay đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp cao, phát sinh những nhu cầu mới trong sử dụng đất nông nghiệp để phát triển kinh tế và điều này lại xung đột với những chính sách quản lý đất đai, xây dựng. 

Nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn

Trên phố Trung Tựu, phường Tây Tựu có khoảng hơn 20 hộ gia đình sử dụng một phần thửa ruộng của gia đình mình (phần giáp mặt đường) để làm kho lạnh bảo quản sản phẩm nông nghiệp và lều lán tạm. Hầu hết được làm tạm bợ, có thể di chuyển hoặc trả về nguyên trạng đất khi cần, xung quanh được rào chắn, che đậy bằng vật liệu tự nhiên, tạm bợ. Mục đích chính của các kho lạnh là bảo quản sản phẩm nông nghiệp của các hộ dân, giúp tự chủ và nâng cao năng suất kinh tế hơn nhiều so với sản xuất truyền thống phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết như trước kia. Đây là nhu cầu cấp thiết và có thực của người nông dân làng hoa Tây Tựu.

Do mật độ dân số và việc giao thương hàng hóa ngày càng tăng, đã tạo áp lực lên hệ thống đường giao thông, ảnh hưởng đến vận chuyển, lưu thông hàng hoá. Kèm theo đó là việc bảo quản hoa cũng trở thành vấn đề vô cùng quan trọng với người nông dân. 

Ông Nguyễn Khắc Thưởng (người dân làng hoa Tây Tựu) cho biết: “Chúng tôi làm hoa bắt buộc phải có kho lạnh thì mới phát triển được làm hoa, không có kho lạnh thì chúng tôi không thể phát triển nổi”.

d9ec7ed7-8a09-4540-ba82-486dfc0946a0-1727870215.jfif
Lều lán và kho lạnh nhằm để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân làng hoa Tây Tựu

Để phát triển kinh tế theo chính sách và định hướng của Nhà nước, nhiều hộ nông dân đã chủ động thay đổi cách thức, mô hình sản xuất để thích nghi với tình hình mới. Trong làng chật chội, khó di chuyển, nên nhiều hộ đã chủ động rời địa điểm giao thương ra phía rìa làng. Những thửa ruộng giáp đường được tận dụng một phần diện tích làm kho chứa, bảo quản, tiện vận chuyển, buôn bán. Việc thích nghi này vừa giúp phát triển kinh tế làng nghề, vừa góp phần giảm ách tắc giao thông ở khu vực trung tâm làng hoa. 

Chị Trần Thị Thư (người dân làng hoa Tây Tựu) cho hay: “Bởi vì ở trong đường làng tắc đường ngõ nhỏ, ra đây nhà tôi dựng kho lạnh để bảo quản hoa vì hoa trong quá trình cắt về phải ngâm dưỡng bảo quản trong kho lạnh để chờ thời gian mới mang bán. Nếu không có kho lạnh thì hoa của tôi để ngoài trời sẽ bị hỏng phải bỏ đi”.

Chính vì vậy người dân làng hoa Tây Tựu đã biến những mảnh ruộng của chính mình thành một nơi để vừa có thể bảo quản, vừa có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển, tránh việc ách tắc giao thông trong khu vực trung tâm của phường.

Mong muốn và cam kết của người dân

dedf3a29-c230-4cd7-9d64-66e469715cf3-1727875320.jfif

Chị Nguyễn Thị Yến (người dân làng hoa Tây Tựu) chia sẻ: “Bão thì mới đi qua, thiệt hại thì chưa thể nào định hết được bà con đang đau đớn, rất đau đớn trong việc thiệt hại mà giờ lại nhận được quyết định tháo dỡ công trình thì không biết là hoa để đâu, củ để đâu mà toàn là vay nợ ngân hàng nhà nào cũng rất là nhiều.

Thế giờ cũng mong muốn là về bên các cấp lãnh đạo, trên quận trên phường thì giúp đỡ bà con nhân dân để lại kho lạnh rồi để cho bà con nhân dân làng hoa sản xuất và kèm theo những cái lán tre nứa tạm thời”.

605601c4-16ce-4eb3-aa34-d8bfedd096db-1727875415.jfif

Anh Hoàng Phi Nghĩa chia sẻ mong muốn: “Xin Đảng và UBND phường và các cấp các ngành tạo điều kiện cho bà con chúng tôi để giữ lại nền kho lạnh này để anh em chúng tôi và người dân phát triển sản xuất”.

a43c15f6-7e7c-4157-af51-10b63dff05fb-1727875320.jfif

Chị Trần Thị Thư cũng chia sẻ tâm tư: “Gia đình tôi mong muốn xin được giữ lại kho lạnh và một phần lán để phục vụ cho quá trình sản xuất làm hoa. Lán ở đây nhà tôi cũng làm tạm bợ chớ không kiên cố gì, trời mưa dột rất nhiều chớ không phải làm kiên cố lâu dài. Thế nên cũng mong được các cấp lãnh đạo bên trên xem xét hỗ trợ cho gia đình tôi để gia đình tôi tiếp tục phát triển làng nghề trồng hoa ngày càng lớn mạnh hơn”.

d1fc78bc-a59d-4857-baa9-06a011eb4abd-1727875472.jfif

Anh Nguyễn Thiện Trọng chia sẻ: “Mong chính quyền phường làm sao là tạo điều kiện cho làng hoa Tây Tựu này có một nơi chốn nào đó để bà con yên tâm sản xuất để phục vụ cho nông nghiệp làng hoa chúng tôi,…. Mong chính quyền phường chiếu cố cho bọn tôi để bọn tôi có chút gì đó để phục vụ cho làng nghề chúng tôi”

Ông Nguyễn Khắc Thưởng cho biết: “Nguyện vọng của tôi là làm hoa phải có kho lạnh và lán để hoa thì bà con mới sản xuất được, mong các cấp chính quyền tạo điều kiện cho người dân Tây Tựu chúng tôi có một cái kho lạnh và cái lán để hoa cho thuận tiện trời mưa gió”.

96bc7cab-e086-41e3-8ab7-05882da19160-1727875472.jfif

Anh Quân cũng mong muốn: “Tôi và người dân Tây Tựu mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện cho chúng tôi làm kho lạnh để phát triển ngành hoa trong làng và giữ lại những tài sản để phục vụ ngành hoa”.

Cần hài hoà giữa đặc thù làng nghề và chính sách quản lý đất đai

Thực tế cho thấy, chính quyền địa phương đã và đang có nhiều cố gắng để làm tốt trách nhiệm của mình trong công tác quản lý đất đai, xây dựng. Nhiều công trình vi phạm trên đất nông nghiệp đã bị xử lý mạnh tay, dứt điểm, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân địa phương. 

Tuy nhiên, nhiều vấn đề mâu thuẫn đã phát sinh trên thực tế trong quá trình thực thi chính sách, trong đó có vấn đề bài báo này đang đề cập.

Giải pháp để giải quyết mâu thuẫn này, là nên chăng, chính quyền sở tại cần có đánh giá khách quan, toàn diện, từ đó có sự phân định rõ các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích để ở, dạng nhà lầu, biệt thự, hoặc quán xá nhậu nhẹt, kinh doanh, v.v… thì cần mạnh tay dẹp bỏ. Còn đối với các công trình tạm bợ, bằng vật liệu tự nhiên, phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của chính hộ gia đình, có thể di chuyển, trả lại nguyên trạng bất cứ khi nào, thì cần có cái nhìn mềm mại hơn.

60c89e49-1623-460f-8bc0-6e32cfaf3276-1727870214.jfif
Người dân cam kết sẽ hoàn trả lại hiện trạng đất như ban đầu nếu Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án

Ngay trong Luật Đất đai và nhiều Nghị định, Thông tư liên quan, cũng có những mục riêng đề cập tới các công trình thuộc diện như thế nào thì được tồn tại trên đất nông nghiệp, đó là những chính sách nhân văn hướng tới người nông dân. Thì với mỗi lãnh đạo, cán bộ cấp cơ sở cũng nên có những cảm thông, sự quản lý linh hoạt và hướng dẫn cho người nông dân những giải pháp hợp tình hợp lý nhất để sản xuất, phát triển một làng nghề, làng hoa nổi tiếng. 

Chị Nguyễn Thị Hoa cho hay: “Mong các cấp chính quyền cũng như các ban ngành đoàn thể xem xét theo từng trường hợp của địa phương là làng hoa Tây Tựu chúng tôi mà tạo điều kiện cho chúng tôi làm kho lạnh, làm nhà tre mái nứa để tiện cho sản xuất nông nghiệp”.

Chị Nguyễn Thị Yến khẳng định: “Và cũng xin được cam kết một điều là lúc nào mà có những cái dự án công trình của nhà nước mà lấy đến cái là nhân dân sẽ xin chấp hành, trả lại mặt bằng hiện trạng theo đúng quy định nhà nước đề ra”.

(Còn nữa)

Nguyễn Trung - Thùy Dương - Hoàng Nguyễn

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/cong-tac-quan-ly-dat-dai-va-dac-trung-phat-trien-lang-nghe-bai-1-can-huong-dan-ho-tro-nong-dan-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-p10174.html