Theo nghiên cứu tìm hiểu, bà Nguyễn Thị Tẹo (SN 1937), trú tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội có chồng là ông Nguyễn Văn Thụng (SN 1941) nguyên quán tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm Hà Nội, thường trú tại phường 13, quận Gò Vấp, TP HCM. Ông Thụng, bà Tẹo có 6 người con. Và có một mảnh đất 158m2 số thửa 47, tờ bản đồ số 26 là tài sản chung của vợ chồng ông Thụng bà Tẹo theo GCN QSDĐ số U767470 cấp ngày 09/10/2002. Phải nhắc lại rằng mảnh đất này là có nguồn gốc là của ông cha tổ tiên của ông Thụng.
Ngày 29/08/2008, tại Văn phòng công chứng Hà Thành ông Thụng và bà Tẹo đã chuyển nhượng 51m2 của thửa đất trên cho một cặp vợ chồng với số tiền 78 triệu đồng.
Sau đó ngày 1/10/2008, UBND huyện Từ Liêm cấp lại cho bà Nguyễn Thị Tẹo Giấy chứng nhận QSDĐ có số Quyết định 4341/QĐ-UBND do ông Nguyễn Cao Chí - Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm thời bấy giờ ký đóng dấu.
Giấy chứng nhận này có diện tích 107m2 được trích lục thửa đất tách ra từ GCN số 00493 do UBND huyện Từ Liêm cấp ngày 09/10/2002 chỉ đứng tên một mình bà Tẹo trong khi nguồn gốc là đất tổ tiên nhà ông Thụng.
Anh Nguyễn Văn Quyền cho biết: “Tôi sinh sống ở chính mảnh đất này khi còn nhỏ, sau này khi lập gia đình thì bố mẹ có cho tôi mảnh đất này để hương khói tổ tiên cũng như chăm sóc mẹ già và em gái. Thế nhưng việc anh trai tôi mang sổ đỏ để đi vay tiền thì tôi không được biết, gia đình không ai biết gì cả, đến hiện tại thì ngân hàng mới đang khởi kiện nhà tôi, đòi nhà của tôi, mà tôi có mua bán gì đâu mà ngân hàng nói tôi bán cho người khác”.
Quay trở lại vụ việc của anh Nguyễn Văn Phòng - anh trai ruột của anh Quyền. Vì quá túng quẫn, anh Phòng được một nhóm người đồng ý cho vay 500 triệu đồng nhưng phải đảm bảo bằng “sổ đỏ” mà bà Tẹo đứng tên.
Chính vì “sổ đỏ” chỉ đứng tên một mình bà Tẹo, thế nên việc anh Nguyễn Văn Quyền hiện đang sinh sống và quản lý mảnh đất này lại không hề có quyền lợi hay biết gì về việc anh Phòng đã làm hợp đồng trao tặng GCN của bà Tẹo sang cho mình nhằm đảm bảo cho một khoản vay 500 triệu.
Khi bị khởi kiện anh Nguyễn Văn Quyền mới vỡ lẽ ra là mảnh đất mà gia đình anh sinh sống đã bị chuyển nhượng cho người khác, anh Quyền cũng khẳng định mình không hề bán cho ai. Anh Quyền hoàn toàn không biết việc anh trai mình là anh Nguyễn Văn Phòng đã mượn sổ của bà Tẹo để thế chấp vay tiền của nhóm người kia.
Luật sư Lê Thanh Yên - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Về vấn đề anh Nguyễn Văn Quyền phản tố yêu cầu hủy GCN QSDĐ cấp cho cụ Nguyễn Thị Tẹo với lý do đây là tài sản chung của cụ Nguyễn Văn Thụng và cụ Nguyễn Thị Tẹo, cho nên việc một mình cụ Tẹo đứng tên rồi định đoạt tặng cho anh Nguyễn Văn Phòng là con trai toàn bộ thửa đất nêu trên là không đúng quy định của pháp luật. Anh Nguyễn Văn Quyền là bị đơn đã có đơn phản tố yêu cầu tòa án thụ lý giải quyết, tuyên hủy GCN QSDĐ cấp cho cụ Tẹo. Việc yêu cầu hủy GCN QSDĐ theo quy định của định của Điều 32 Bộ Luật thủ tục hành chính và Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết vụ việc này thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Cụ thể trong vụ việc này là Tòa án nhân dân TP Hà Nội.”
Mới đây, anh Nguyễn Văn Quyền đã làm đơn đề nghị yêu cầu chuyển vụ việc cho Tòa án nhân dân TP Hà Nội giải quyết. Bởi trong yêu cầu phản tố của anh Nguyễn Văn Quyền có yêu cầu tuyên hủy GCN QSDĐ do UBND huyện Từ Liêm (nay là UBND quận Bắc Từ Liêm) đã cấp cho bà Nguyễn Thị Tẹo ngày 01/10/2008.
Thêm nữa 2 người con của ông Thụng sinh sống trong TPHCM đã xác nhận có mặt tại phiên tòa tới đây cũng để đòi hỏi quyền lợi từ việc chia thừa kế sắp tới. Vì những người con này cho rằng mảnh đất đang tranh chấp kể trên là đất ông cha để lại cho ông Thụng chứ không phải của riêng bà Tẹo, vậy nên xảy ra tranh chấp thì những người con này phải có quyền và lợi ích liên quan.
Chị Nguyễn Thị Vân (Con của bà vợ thứ 2 ông Nguyễn Văn Thụng) cho biết: “Tôi có biết được bố tôi có một mảnh đất mà cha ông tổ tiên để lại, đến nay đất lại đang xảy ra tranh chấp, nghĩa là tôi cũng phải được chia thừa kế trong đó”.
Anh Nguyễn Cao Trí (Con của bà vợ thứ 2 ông Nguyễn Văn Thụng) cũng cho rằng: “Tôi là con trai của ông Thụng bà Vân sinh sống trong TPHCM, tôi được biết bố tôi có mảnh đất mà cha ông tổ nghiệp để lại. Tôi cũng cho rằng mảnh đất này là đất tổ tiên chứ không phải của riêng bà Tẹo, nay xảy ra tranh chấp tôi mong cơ quan nhà nước sẽ vào cuộc đòi lại công bằng cho chúng tôi”.
Tới đây, phiên tòa sẽ sớm được đưa ra xét xử. Tuy nhiên việc xem xét, đánh giá đúng bản chất của sự việc nhằm đưa ra những phán quyết công tâm nhất còn phụ thuộc vào việc cơ quan thụ lý và cán bộ trực tiếp giải quyết.
Người dân mong chờ một phán quyết công tâm, khiến người dân tâm phục khẩu phục từ Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm.
Nguyễn Trung