Theo Cáo trạng số 254/CT-VKSHM, ngày 3/10/2024 của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) quận Hoàng Mai, trên cơ sở kết quả điều tra xác định:
Ngày 16/1/2023, chị Lê Thị Thinh, (SN 1988, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội), sử dụng tài khoản ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ngân hàng ACB), mang tên Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và vận tải Trường Duyên (Cty Trường Duyên) đã chuyển khoản nhầm vào tài khoản ngân hàng ACB của chị Nguyễn Tường Vân (trú tại quận Gò Vấp, TP HCM), số tiền 200.000.000 đồng.
Sau khi phát hiện có người chuyển nhầm vào tài khoản, chị Vân cho biết, chị được một người tự xưng là nhân viên ngân hàng đã gọi điện thông báo cho chị Vân việc nhận nhầm tiền của chị Thinh, thì chị Vân nói sẽ ra ngân hàng để chuyển trả lại.
Tiếp đó, trong các ngày 16/1, 31/1, 6/2, chị Vân đã đến làm việc tại Hội sở và khẳng định sẽ hoàn trả số tiền 200.000.000 đồng theo Quyết định của cơ quan Công an vì chị Vân cho rằng hiện nay rất nhiều trường hợp lừa đảo bằng hình thức chuyển khoản nhầm.
Ngày 20/3/2023, Sau khi tiếp nhận đơn tố chị Nguyễn Tường Vân có hành vi chiếm giữ tài sản trái phép, Cơ quan CSĐT CAQ Hoàng Mai, Hà Nội đã làm việc yêu cầu chị Vân tiến hành trả lại số tiền 200.000.000 đồng. Chị vân đồng ý chuyển trả, nhưng phải có văn bản yêu cầu của cơ quan công an.
Ngày 14/6/2023 Cơ quan CSĐT CAQ Hoàng Mai đã ban hành thông báo số 435 yêu cầu chị Vân hoàn trả số tiền cho cho chị Thinh vào tài khoản ngân hàng ACB mang tên Công Ty Trường Duyên. Ngày 11/7/2023 chị Vân nhận được thông báo nhưng lúc này thời gian ghi trong văn bản đã quá hạn nên chị Vân không thực hiện chuyển trả.
Sao kê tài khoản ngân hàng ACB của Nguyễn Tường Vân cho thấy: Từ ngày 16/01/2023, tài khoản nhận được số tiền 200.000.000 đồng và duy trì số dư trên mức này đến ngày 19/6/2023, khi tài khoản thực hiện giao dịch: “TRÍCH TỰ ĐỘNG THANH TOÁN NỢ THẺ 3710 KH NGUYEN TUONG VAN T06/23”. Từ ngày 19/9/2023 đến thời điểm cơ quan điều tra khởi tố vụ án và bị can, tài khoản của chị Vân không còn duy trì số dư liên quan đến khoản tiền chuyển nhầm. Từ đó, cơ quan tố tụng quy kết chị Vân đã sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân.
“Ngày 11/7/2024, tôi nhận được lời mời từ Công an quận Gò Vấp, đưa cho tôi một ủy thác là thông báo đề nghị chuyển trả tiền từ Công an quận Hoàng Mai. Đọc thông báo thì tôi có thấy nội dung đề nghị chuyển tiền trước ngày 30/6/2024, nhưng khi tôi nhận thông báo 11/7/2024, thì đã quá thời hiệu rồi. Tuy nhiên, tôi vẫn chuyển trả theo 2 số tài khoản trong thông báo của Công an quận Hoàng Mai nhưng chuyển không được do số tài khoản không đúng, tôi có chụp màn hình gửi cho công an. Từ đó tôi không thấy công an hồi âm nữa”, chị Vân cho hay.
CQĐT sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với chị Vân. Ngày 25/7/2024, chị Nguyễn Tường Vân đã đến trụ sở Công an quận Hoàng Mai làm việc và giao nộp số tiền 200.000.000 đồng cho CQĐT. Số tiền sau đó được trao trả cho chị Thinh.
Căn cứ vào các tình tiết và chứng cứ thu thập được, VKSND quận Hoàng Mai đã truy tố ra trước TAND quận Hoàng Mai để xét xử chị Nguyễn Tường Vân về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”, quy định tại khoản 2, Điều 176 Bộ luật Hình sự.
Chị Nguyễn Tường Vân cho biết: “Thực tế trong suốt thời gian qua, tôi không không có ý định tiêu xài số tiền chuyển nhầm đấy. Khoản tiền đấy nó nằm trong tài khoản thanh toán của tôi. Từ lâu tôi đã dùng thẻ tín chấp, nên hàng tháng chưa đến ngày bên ngân hàng đã trích thanh toán tự động tài khoản của tôi rồi chuyển sang tài khoản thẻ tín chấp, có bao nhiêu thì họ trích thanh toán bấy nhiêu. Khi mà bị trích thanh toán tự động thì tôi lại nạp vào tài khoản đủ 200.000.000 đồng để duy trì khoản đấy, cứ thế tháng sau cũng vậy. Nên số tiền chuyển nhầm vào tài khoản của tôi ngân hàng tự trích chứ tôi không hề rút”.
“Ngày 17/1/2023 tôi ra Công an phường 11, quận Bình Thạnh trình báo và yêu cầu công an lập biên bản. Tôi chủ động đi báo công an, chủ động đi gặp ngân hàng cả 10 lần chứ không ít. Tôi và ngân hàng đều thống nhất khoản chuyển nhầm đấy chỉ được giao trả trước sự chứng kiến của công an”.
Góc nhìn Luật gia
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, phân tích:
“Tại Điều 176, Bộ Luật hình sự 2015, về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”, theo đó: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản thì mới bị xử lý theo cấu thành tội này”.
“Tuy nhiên, có thể thấy rằng, vào ngày 16/1/2023, khi nhận được số tiền chuyển nhầm, bị cáo đã chủ động liên hệ với ngân hàng và công an phường để trình báo sự việc. Khi đến ngân hàng, tài khoản của bị cáo bị phong tỏa, khiến bị cáo không thể thực hiện việc chuyển lại số tiền. Đồng thời, từ một tài khoản ngân hàng của mình phía ngân hàng lại bắt bị cáo làm đơn xin phép mở lại tài khoản và tự chịu trách nhiệm về việc này, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo”.
“Khiến cho bị cáo trong tâm lý hoang mang và nghi ngờ có yếu tố lừa đảo liên quan đến việc chuyển nhầm. Với ý thức như vậy, bị cáo đã yêu cầu, nhờ công an làm việc để làm sáng tỏ vấn đề. Khi nhận được thông báo bằng văn bản từ cơ quan công an, bị cáo đã thực hiện việc chuyển trả số tiền. Tuy nhiên, sau đó, khi nhận được hướng dẫn chuyển tiền từ Công an quận Hoàng Mai, việc thực hiện chuyển tiền không thành công do sai sót về thông tin tài khoản. Điều này cho thấy bị cáo không hề có ý thức nhằm mục đích chiếm giữ trái phép số tiền này. Đồng thời, trong số tiền này tự động phía ngân hàng trích từ thẻ Visa của bị cáo. Do đó, tôi thấy việc này nếu các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng bị cáo có hành vi chiếm giữ tài sản trái phép sẽ có dấu hiệu oan sai”, Luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Giải pháp tránh rủi ro
Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo về loại tội phạm lừa đảo thông qua việc cố ý chuyển khoản nhầm tiền vào tài khoản.
Chúng thường nhắm đến những người "nhẹ dạ cả tin" hoặc những người vô tình để lộ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng. Sau đó cố ý chuyển khoản nhầm tiền vào tài khoản của nạn nhân, nhằm hợp thức hóa việc chuyển tiền thành khoản vay mượn với lãi suất cao, hoặc giải ngân các khoản vay giả mạo.
Một thủ đoạn tinh vi hơn là các đối tượng sẽ sử dụng tài khoản công ty để cố ý chuyển tiền “bẩn” vào tài khoản “sạch”, tài khoản cá nhân của người khác. Sau khi số tiền được chuyển trả, thì các đối tượng cũng hoàn thành việc rửa tiền.
Sự phát triển rầm rộ của loại hình tội phạm bằng hình thức chuyển khoản nhầm khiến nhiều người dân lo lắng, loay hoay khi không biết phải xử lý ra sao cho phù hợp.
Thế nên, khi vào trường hợp này, người dân cần sớm trình báo cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý an toàn, đúng pháp luật, tránh rủi ro và bảo vệ quyền lợi của mình.
Chị Vân “tình ngay lý gian” hay đã cấu thành hành vi phạm tội? Các cơ quan tố tụng đánh giá đúng bản chất câu chuyện hay vụ việc có dấu hiệu oan sai như quan điểm của luật gia? Những điều này sẽ được làm rõ trong phiên tòa sắp tới.
Vụ việc cũng là một kinh nghiệm quý giá đối với người dân. Trước tình hình phức tạp, có nhiều lẫn lộn giữa việc chuyển nhầm với các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần tỉnh táo, đồng thời tham vấn các luật gia, người thân, bạn bè để có cách xử lý phù hợp. Quan trong nhất là cần khẩn trương liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra/.
Nhóm PV
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/canh-giac-voi-chuyen-khoan-nham-chu-dong-khai-bao-de-tranh-rui-ro-phap-ly-p10197.html