Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam "tái sinh" sông Tô Lịch

Nhật Bản dự kiến mang thiết bị công nghệ hiện đại đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch dòng sông này.

Chiều 11/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường do tiến sỹ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản dẫn đầu.

Trong buổi làm việc, TS. Yamamura cho biết, phía Nhật Bản dự kiến mang thiết bị công nghệ hiện đại đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch lòng sông. Đây là công nghệ bio-nano, tốc độ xử lý siêu nhanh. Với công nghệ này, chỉ sau ba ngày thì mùi sẽ giảm nhiều. Công nghệ này gồm máy sục khí công nghệ nano, sử dụng vật liệu thiên nhiên...

sequence 0100005402still004

Sông Tô Lịch nếu được xử lý sẽ là địa điểm thư giãn lý tưởng cho người dân Thủ đô.

Ông cũng cho biết, phía Nhật Bản đã điều tra, khảo sát trong 2 năm để đưa ra đề nghị này; hy vọng công nghệ hiện đại này sẽ hỗ trợ tích cực Việt Nam trong vấn đề xử lý nước thải.

Thủ tướng hoan nghênh đề xuất này và tin tưởng với kinh nghiệm, phía Nhật Bản sẽ thành công trong xử lý nước thải ở Hà Nội.

Từ nhiều năm nay, Hà Nội luôn tìm giải pháp để làm sạch sông Tô Lịch, hồ Tây. Từ năm 2016, Hà Nội đã khởi công dự án trị giá 800 triệu USD, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với mục đích cải tạo môi trường, giúp làm sống lại các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ, góp phần tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững thủ đô. Tuy nhiên, cho đến nay nhà máy này chưa biết đến bao giờ hoàn thành.
Với chiều dài khoảng 14km, sông Tô Lịch chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Điểm bắt đầu từ phường Nghĩa Đô, thuộc quận Cầu Giấy (phía Nam đường Hoàng Quốc Việt), điểm cuối đổ ra sông Nhuệ ở đối diện làng Hữu Từ, thuộc xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì. Chảy qua nhiều khu dân cư đông đúc, nhiều năm nay sông Tô Lịch là nỗi ám ảnh với người dân và du khách khi lưu thông cạnh bờ sông, vì mùi khó chịu bốc lên đến khó thở.

Cao Thạch Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/nhat-ban-ho-tro-viet-nam-tai-sinh-song-to-lich-p1160.html