Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị làm việc với Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam

Chiều ngày 22/4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện kết luận số 102-KL/TW của bộ Chính trị về Hội Quần chúng làm việc với Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam.

 

 

Tham dự hội nghị có bà Trương Thị Mai - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện kết luận số 102-KL/TW của bộ Chính trị, trưởng đoàn kiểm tra ; Ông Nguyễn Phước Lộc - Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo; ông  Phạm Gia Túc - Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo; ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng bộ Nội vụ và các đồng chí trong đoàn.

Về phía Hội Luật gia Việt Nam có Bí thư Đảng đoàn, ĐBQH Khoá XIV, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền; Phó Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm; Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Dương Thành Bắc; Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối Cao Trần Công Phàn; Nguyên Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn; Thứ trưởng bộ Tư Pháp Phan Chí Hiếu; Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh và một số đồng chí trong ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam.

sequence 0100002013still004

Toàn cảnh hội nghị.

Nêu mục đích, ý nghĩa của buổi làm việc, bà Trương Thị Mai phát biểu:

“Để chuẩn bị cho sơ kết 5 năm thực hiện kết luận số 102-KL/TW của bộ Chính trị ban hành từ năm 2014 đến nay, vừa qua, có một số hội đặc thù trình Ban Bí thư về vấn đề tổ chức bộ máy, sau khi Ban chấp hành Trung ương có nghị quyết 18, vì vậy Ban Bí thư nhận thấy cần sơ kết 5 năm thực hiện kết luận số 102-KL/TW sau đó sẽ có tính toán, có chủ trương phù hợp với các hội đặc thù trong giai đoạn mới”.

“Hội nghị vừa đánh giá kết luận của Hội luật gia Việt Nam trong 5 năm thực hiện Kết luận số 102-KL/TW, vừa là trao đổi về nhiệm vụ chính trị mà Đảng giao, những mặt thuận lợi, khó khăn ra sao trong hoạt động Hội trong 5-10 năm tới, đề xuất kiến nghị. Đặc biệt, trao đổi sâu về việc chuyển từ giao biên chế, giao kinh phí sang khoán kinh phí, tự chủ tự chịu trách nhiệm bỏ ra kinh phí, tuân thủ pháp luật, điều lệ của Hội và Nhà nước giao nhiệm vụ sẽ giao kinh phí. Ban Dân vận muốn nghe ý kiến thẳng thắn có thể báo cáo lên Ban Bí thư một cách trung thực nhất các ý kiến đề xuất, mục tiêu là để các hội phát triển vững mạnh”. 

Tiếp đó, hội nghị đã lắng nghe Bí thư Đảng đoàn, ĐBQH Khoá XIV, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền báo cáo tóm tắt sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam.

sequence 0100034624still002

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã báo cáo tóm tắt sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết: Sau khi Kết luận 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị (gọi tắt là Kết luận 102-KL/TW) được ban hành, nhận thức rõ tầm quan trọng của Kết luận 102-KL/TW, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã kịp thời đề ra chương trình hành động trong toàn Hội. Các cấp Hội trong cả nước đã nghiêm túc tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Kết luận đến các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, đảng viên, trước hết là các hội viên của Hội. Việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến Kết luận ở các Hội địa phương được gắn với vai trò, trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành có liên quan và các cấp Hội.

Trên cơ sở Kết luận 102-KL/TW, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chỉ đạo và hướng dẫn các cấp Hội triển khai tổ chức quán triệt và thực hiện ở cấp mình. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng, ban hành các văn bản, kế hoạch hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội và Kết luận 102-KL/TW trong từng giai đoạn cụ thể, đồng thời tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đến các cấp Hội để hội viên nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam.

Công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện được chú trọng nhằm rút kinh nghiệm và có những định hướng, quan điểm chỉ đạo kịp thời bảo đảm hiệu quả thực hiện. Hàng năm, các cấp Hội đều thực hiện chế độ báo cáo định kỳ có gắn với nội dung triển khai thực hiện Kết luận 102-KL/TW gửi về Trung ương Hội. Ngoài ra, để kịp thời nắm bắt tình hình, Đảng đoàn và Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tổ chức 12 đoàn công tác tới các địa phương làm việc với 15 Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh để khảo sát thực tế hoạt động Hội, nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Đảng đoàn, lãnh đạo Hội với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong công tác lãnh đạo Hội Luật gia tại các địa phương và nắm bắt tình hình thực hiện Kết luận 102-KL/TW để có thể kịp thời nghiên cứu, chỉ đạo các nội dung, phương hướng thực hiện tốt hơn Kết luận trong thời gian tiếp theo.

Về thực trạng tình hình tổ chức và hội viên của Hội: Đến nay, tổng số hội viên Hội Luật gia Việt Nam có trên 63.000 người, trong đó số hội viên kết nạp từ sau khi có Kết luận 102-KL/TW là trên 17.000 người (tăng hơn 36% so với trước khi có Kết luận 102-KL/TW). Đã có 56.863/63.000 hội viên trong toàn quốc được cấp, đổi thẻ mới (số còn lại đang làm thủ tục).

Công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin, phổ biến kiến thức, nâng cao nghiệp vụ cho hội viên được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng đoàn. Chính vì vậy, các cấp hội đã chủ động tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cho hội viên và nhân dân.

Năm 2013, Hội Luật gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 - 2016” (Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013). Sau 3 năm thực hiện đạt kết quả tốt nên đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục giao cho Hội Luật gia thực hiện Đề án này trong giai đoạn 2017 – 2021 (Quyết định 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017).

Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực tham gia vào ban soạn thảo, tổ biên tập nhiều dự án luật, chương trình, đề án của Đảng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành khi có yêu cầu; tham gia Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án Luật, pháp lệnh thi hành Hiến pháp 2013; tham gia Ban soạn thảo và tổ biên tập của 19 dự án luật, trong đó có các dự án luật quan trọng như: Bộ luật Dân sự sửa đổi, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật ban hành quyết định hành chính, Luật cạnh tranh, Luật trợ giúp pháp lý… Đồng thời, từ năm 2014 – 2018, Trung ương Hội đã tổ chức gần 100 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học tham gia góp ý kiến cho các chương trình, dự án và các dự thảo luật, nghị định quan trọng; tổ chức góp ý hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật khác.

Đáng chú ý là, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ trì và xây dựng được luật Trọng tài Thương mại và Luật trưng cầu ý dân, được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2015.

sequence 0100040408still001

Bà Trương Thị Mai tới thăm Báo Đời sống và Pháp luật.

Về công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở tiếp tục được Trung ương Hội hết sức quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo huy động không chỉ nguồn lực của chính mình mà cả sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài đối với công tác này thông qua nhiều dự án…

Về công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát, phản biện xã hội, giám sát việc thi hành pháp luật Hội cũng đã tham gia tích cực, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam đã được chú trọng đặc biệt và có những bước phát triển mạnh mẽ, được bạn bè quốc tế khen ngợi, Đảng và Nhà nước ghi nhận. Trên cơ sở đó, Hội đã vận động và tiếp tục nhận được sự ủng hộ của giới luật gia các nước đối với các vấn đề chính trị, pháp lý liên quan đến chủ quyền và lợi ích của Việt Nam đặc biệt vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội tiếp tục thiết lập và duy trì các quan hệ hợp tác song phương với Hội Luật gia, Đoàn luật sư các quốc gia trong khu vực và trên thế giới (Hội đã ký kết thỏa thuận hợp tác như Đoàn Luật sư Seoul - Hàn Quốc, Hội Luật học Trung Quốc, Hội Luật gia Ấn Độ, Hiệp hội Luật sư toàn Ấn Độ, Hội Luật gia Belarus, Hội Luật gia Liên bang Nga, Đoàn Luật sư tiểu bang California - Hoa Kỳ…).

Các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam trong những năm qua đều chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban Bí thư, các quy định của Đảng và Nhà nước. Hội đã tích cực, chủ động trong công tác này và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Do đó, từ năm 2016 đến nay, 3 năm liền Hội đều được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng tặng cờ thi đua “Tập thể dẫn đầu trong công tác đối ngoại nhân dân trên lĩnh vực đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đã có những đánh giá, ý kiến trao đổi thiết thực về những khó khăn, thuận lợi khi Hội Luật gia Việt Nam thực hiện kết luận số 102-KL/TW.

Phát biểu kết thúc hội nghị, bà Trương Thị Mai bày tỏ:

“Qua báo cáo tóm tắt sơ kết 5 năm thực hiện kết luận số 102-KL/TW của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam, qua kết quả hoạt động của Hội Luật gia, chúng tôi thấy. Một là, Hội Luật gia đang tiếp tục phát triển tổ chức của mình rất rộng rãi trong phạm vi cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở với hơn 63.000 hội viên, tôi tin rằng những năm tiếp theo con số hội viên này sẽ tiếp tục tăng lên, các đơn vị phục vụ cho hoạt động của Hội Luật gia tại Trung ương so với các tổ chức khác khá lớn, có trên 3 viện nghiên cứu, 4 cơ quan báo chí xuất bản, rất nhiều trung tâm tư vấn pháp luật… Hội có tiềm năng phát triển cao.

Hai là, có khá nhiều hoạt động của hội chúng tôi thấy rất thiết thực để đảm bảo cho chủ trương đường lối của Đảng… nổi bật Hội Luật gia tham gia vào rất nhiều ban soạn thảo đạo luật trình ra Quốc hội, không chỉ là luật mà còn có cả văn bản dưới luật. Hội trực tiếp tham gia một số dự án như đảm bảo pháp lý cho người nghèo, cho đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế như: Người nhiễm HIV/AIDS và những đối tượng đặc thù là những phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng là sự đóng góp cụ thể của Hội Luật gia.

Nếu nhìn nhận chung thì Hội Luật gia đã có nỗ lực trong nhiều hoạt động, phải nói hoạt động này bắt kịp xu thế của Đảng, Nhà nước. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, vai trò hoạt động của Đảng đoàn rõ ràng, nêu cao tinh thần của Hội, Hội đóng góp một cách rất tích cực cho Đảng, Nhà nước, xã hội”.

sequence 0100033817still003
Bà Trương Thị Mai đánh giá Hội Luật gia đã có nhiều đóng góp tích cực cho Đảng, Nhà nước và xã hội.

Đồng thời, bà Trương Thị Mai bày tỏ mong muốn Hội luật gia Việt Nam tiếp tục phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao, đóng góp cho Đảng, Nhà nước và quan trọng là cho nhân dân.

Thay mặt Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã gửi lời cảm ơn đến đoàn kiểm tra đã có những ý kiến đóng góp cho hoạt động Hội trong việc thực hiện kết luận số 102-KL/TW, cũng như những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Hội trong thời gian tới.

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra cùng các đồng chí trong đoàn kiểm tra đã tới thăm báo Đời sống và Pháp luật (cơ quan trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam).

Cao Thạch Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/so-ket-5-nam-thuc-hien-ket-luan-so-102-kltw-cua-bo-chinh-tri-p1182.html