Khi nhóm phóng viên Truyền hình Người Đưa Tin đến hiện trường, qua quan sát thấy gần chục công nhân đang làm việc. Tiếng máy nổ, tiếng đá xẻ tạo âm thanh hỗn loạn, lại thêm bụi đá dày đặc gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.
So với nhiều xưởng đá mà phóng viên biết, thì cơ sở này có quy mô khá lớn và hạ tầng thể hiện mục đích sản xuất trong thời gian dài chứ không chỉ tính toán khai thác đá trong vài năm. Những khối đá nguyên liệu cắt ra từ núi có khối lượng lớn, đồ sộ, nặng hàng tấn để ngổn ngang, lấn cả lòng đường, cản trở giao thông.
Trụ sở UBND xã Chiềng Ngần. |
Theo ông L.V.H, người dân ở bản Co Pục, xã Chiềng Ngần cho biết, mỏ đá xẻ này hoạt động từ vài năm nay, họ làm rất công khai, đá tảng đổ ra cả lòng đường. Người dân nhiều lần bức xúc, ý kiến nhưng doanh nghiệp không quan tâm, còn cơ quan chức năng cũng không thấy xử lý.
Phóng viên gặp ông Tiến là chủ mỏ đá, ông Tiến không thừa nhận đây là mỏ đá, mà cho rằng đây chỉ là xưởng xẻ đá. Khi PV hỏi về giấy phép hoạt động thì ông Tiến thừa nhận không có giấy phép. Tuy nhiên, một người cháu của ông Tiến, giữ vai trò quản lý hoạt động ở xưởng đá xẻ này, đã thừa nhận việc khai thác đá ngay tại đây để sản xuất đá lát nền.
Với khoảng 10 nhân viên làm việc mỗi ngày thì số đá mà doanh nghiệp khai thác được là rất nhiều. |
Theo anh Nguyễn Đức Q, một người hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng ở Sơn La thì với khoảng 10 công nhân làm việc mỗi ngày số đá doanh nghiệp khai thác được rất nhiều, cũng như lợi nhuận lớn nhưng Nhà nước thì thất thu tiền thuế. Dư luận địa phương nhiều năm qua đều đồn thổi rằng doanh nghiệp được “một người có thế lực” giúp đỡ ở phía sau, hình thành một nhóm lợi ích, nên mỏ đá không cần xin phép mà vẫn thoải mái khai thác. “Người có thế lực” mà dư luận đề cập ấy là ông Lò Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần.
Mỏ đá này không cần được cấp phép nhưng vẫn thoải mái khai thác. |
Để làm rõ thông tin này có căn cứ hay không, phóng viên đã liên hệ qua điện thoại với ông Lò Văn Phúc để xin lịch làm việc, tuy nhiên, ông Phúc nói đang đi họp nên không gặp phóng viên được. Với tinh thần cầu thị, cũng để “giải oan” cho vị chủ tịch xã trước tin đồn có lợi ích cá nhân nên làm ngơ cho mỏ đá, ngày 29/05/2019 phóng viên tìm đến trụ sở UBND xã để trao đổi cụ thể với vị chủ tịch. Tuy nhiên, ông Phúc lại yêu cầu phóng viên xuống văn phòng ủy ban xã làm thủ tục. Và có lẽ vị chủ tịch đã chỉ đạo trước, nên cán bộ văn phòng gây khó khăn bằng yêu cầu phóng viên phải có giấy giới thiệu của UBND TP Sơn La thì mới làm việc, trong khi phóng viên đã xuất trình cả thẻ nhà báo và giấy giới thiệu. Có thể là cố tình, hoặc cũng có thể do sự hạn chế hiểu biết pháp luật, mà vị chủ tịch xã có lối hành xử và làm việc như trên. Nói cách khác, hành vi của ông chủ tịch xã Chiềng Ngần đã vi phạm Luật Báo chí, vi phạm Quy chế phát ngôn của Chính phủ.
Mặc cho dư luận đồn thổi, phóng viên vẫn không tin vị chủ tịch xã đứng sau “bảo kê” cho xưởng đá không phép! Phóng viên cũng không tin người đứng đầu UBND xã Chiềng Ngần lại tham gia vào “nhóm lợi ích”! Nhưng phóng viên tin rằng, ông chủ tịch xã có liên quan đến cơ sở sản xuất đá.
Cao Thạch Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/tim-hieu-sai-pham-phong-vien-bi-mot-chu-tich-xa-co-quay-p1261.html