Bánh gai Tứ Trụ - Đặc sản hương vị xứ Thanh

Mỗi vùng miền đều có những đặc sản riêng và khi đến Thanh Hóa, du khách không thể không nếm thử hương vị đặc trưng của bánh gai Tứ Trụ làng Mía thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Sau bao nhiêu đổi thay của cuộc sống, những chiếc bánh gai đã trở thành món quà không thể thiếu đối với người dân nơi đây.

 

Nói đến Thanh Hóa là nói đến mảnh đất của địa linh nhân kiệt, của khí thiêng hội tụ, là nơi sơn thủy hữu tình với nhiều đặc sản nổi tiếng. Trải qua thăng trầm của sự dịch chuyển xã hội, thời đại, nhưng làng nghề ngày càng được củng cố, định hình và có những sắc thái riêng. Ai đã từng một lần đến Thanh Hóa hẳn không thể bỏ qua món bánh gai Tứ Trụ làng Mía - một đặc sản nổi tiếng của miền Trung.

anh 5

Món bánh gai Tứ Trụ làng Mía- Đặc sản Miền Trung.

Theo người dân địa phương, nghề làm bánh gai đã tồn tại hàng trăm năm qua, từ thế kỷ 15, thời Hậu Lê. Thời đó, bánh gai làng Mía là sản vật chỉ được dùng để tiến vua Lê và có mặt trong các dịp giỗ, Tết, đình đám quan trọng của quốc gia. Vì thế bánh gai làng Mía còn có tên gọi khác là bánh gai Tứ Trụ, bánh gai tiến vua. Lâu dần nghề làm bánh gai đã trở nên phổ biến ở các làng và trở thành đặc sản xứ Thanh, là món quà không thể bỏ qua đối với du khách hay những người sành ăn.

Chúng tôi có dịp ghé thăm nhà ông Lê Hữu Lâm, chủ cơ sở sản xuất bánh gai Lâm Thắm, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề truyền thống bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên - là một trong số hàng chục hộ gia đình làm bánh gai có tiếng của làng Mía.

anh 2

Ông Lê Hữu Lâm- Chủ cơ sở sản xuất bánh gai Lâm Thắm.

Theo ông Lâm, để làm ra được chiếc bánh gai thơm ngon đúng vị, nguyên liệu không thể thiếu là lá gai, gạo nếp được làm sạch, để khô rồi nghiền thành bột mịn, sau đó trộn với mật mía, lá gai rồi đem vào cối đá giã cho thành một khối nguyên liệu dẻo, mịn, có màu đen bóng của lá gai là được. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, dầu chuối, đường, dừa khô nạo nhỏ. Sau đó, bánh được nắm thủ công thành hình tròn rồi cho nhân vào giữa nắm lại và gói vào lá chuối khô được làm sạch sẽ trước đó. Công đoạn cuối cùng là cho bánh vào 1 chiếc nồi lớn đã được cách thủy. Sau khoảng 1,5 giờ đồng hồ thì bánh sẽ đến độ chín.

Một chiếc bánh đạt yêu cầu đủ để đến được tay thực khách phải mất khoảng 5 tiếng đồng hồ, và bánh khi thành phẩm phải mịn và có được vị thơm của lá gai, dầu chuối, độ dẻo của gạo nếp, vị ngọt của mật mía và bùi bùi của đậu xanh.

Quanh năm suốt tháng, cả gia đình ông Lâm cùng những hộ gia đình khác trong làng tấp nập làm bánh nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là vào những dịp lễ tết. Bởi người dân nơi đây luôn tỉ mỉ trong từng công đoạn, cố gắng giữ được hương vị truyền thống của thứ bánh ngon nức tiếng quê hương.

Đặc biệt, hiện bánh gai tiến vua làng Mía đã được chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng chứng nhận là 1 trong 10 sản phẩm hàng hóa tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa từ năm 2016. Sản phẩm được sự kiểm soát chặt chẽ của Hiệp hội làng nghề bánh Gai Tứ trụ nên dù số lượng bánh được khách đặt hàng rất lớn, nhưng chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi người dân làm nghề hiểu rằng đó chính là tâm huyết, là truyền thống, là niềm tự hào của xứ Thanh. 

anh 1

Bánh gai làng Mía là truyền thống, là thương hiệu của Xứ Thanh.

Giờ đây, nghề làm bánh gai vẫn được những người con làng Mía xứ Thanh tiếp tục duy trì và phát triển để đem hương vị quê hương khắc sâu vào tâm hồn những người xa quê, là thức quà làm xao xuyến thực khách trong và ngoài nước.

Cao Thạch Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/banh-gai-tu-tru-dac-san-huong-vi-xu-thanh-p1287.html