(Bài 1) “Những giọt nước mắt không rơi”: Phóng viên nhập cuộc, cán bộ cuống cuồng đi... xin lỗi

Khi biết phóng viên về địa phương xác minh thông tin việc ăn chặn tiền chính sách của người có công, thương bệnh binh ở xã Long Hưng, huyện Văn Giang, Hưng Yên, một số cán bộ đã đi “khắc phục sự cố”.

Theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ năm 2005: Bố, mẹ, vợ hoặc chồng liệt sĩ cứ 5 năm một lần hoặc 2 năm một lần đối với thân nhân có con duy nhất là liệt sĩ hoặc có 2 con liệt sĩ trở lên sẽ được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe. Thân nhân liệt sĩ sẽ được đi điều dưỡng tập trung tại các trung tâm điều dưỡng của Nhà nước với mức chi trả 1.500.000 đồng/người/lần. Trường hợp điều dưỡng tại nhà sẽ được hưởng 800.000 đồng/người/lần. 

Năm 2012, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi. Thời gian xét ưu đãi giảm từ 5 năm xuống 2 năm/người/lần và 2 năm xuống còn 1 năm/người/lần. Đồng thời chế độ chi trả cũng tăng lên tương ứng 2.220.000 đồng và 1.110.000 đồng/người/lần. Nhưng theo phản ánh của một số gia đình chính sách, một số cán bộ phụ trách lĩnh vực lao động thương binh xã hội ở xã Long Hưng, huyện Văn Giang đã không công khai và hướng dẫn các gia đình nhận chế độ, mà có dấu hiệu làm giả chứng từ, “ăn chặn” số tiền chính sách hàng trăm triệu đồng.

5

UBND xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Thương bệnh binh Nguyễn Văn Nhã (82 tuổi, ở thôn Như Lân, xã Long Hưng), cho biết: "Hiện nay thôn Như Lân có 24 hộ gia đình chính sách, thân nhân liệt sỹ. Suốt từ năm 2005, các hộ được nhận tiền chính sách điều dưỡng theo định kỳ không đều đặn, có năm được năm không, vì đa phần các cụ đã cao tuổi nên cũng không nắm được rõ chế độ, giờ vỡ lở ra mới biết bị ăn chặn, có một số hộ thì chưa bao giờ được nhận tiền chính sách này".

Chị Thuận, con gái liệt sỹ Nguyễn Thành Vắn cho biết: Từ năm 2005, gia đình chị Thuận mới được nhận hai lần tiền điều dưỡng tại nhà. Gần đây ông trưởng thôn Nguyễn Minh Sơn đến trả cho gia đình chị số tiền 2.220.000 đồng và nói là tiền chế độ điều dưỡng của năm 2015 và 2017. Số tiền còn lại ở đâu thì gia đình không biết.

Gia đình chị Thuận còn tiết lộ thông tin: Bà Nguyễn Thị Hân, nguyên cán bộ thương binh lao động xã hội của xã Long Hưng, có đến trình bày với gia đình chị và thừa nhận đã ký hộ và cầm tiền hộ.

2

Chị Thuận, con gái liệt sĩ Nguyễn Thành Vắn.

Trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhất là cụ Nguyễn Thị Tấc. Bố mẹ cụ Tấc mất sớm, cụ một tay nuôi người em trai duy nhất trong cảnh túng quẫn. Năm em trai cụ 16 tuổi, đã trốn chị gái xung phong đi bộ đội, rồi hi sinh trên chiến trường. Năm nay cụ Tấc 88 tuổi, đôi mắt đã mù lòa 20 năm, giờ chỉ biết nhờ vào gia đình người con gái nuôi chăm sóc. Thế nhưng từ năm 2005 đến nay, cụ Tấc không được nhận tiền chính sách điều dưỡng.

Nguồn tin riêng của Truyền hình Người đưa tin cho hay, sau khi biết phóng viên đến địa phương xác minh, một cán bộ chính sách của xã Long Hưng đã đến xin lỗi gia đình cụ Tấc và trả cho cụ Tấc số tiền 3.330.000 đồng. Tuy nhiên số tiền này là chưa đủ, vì từ 2005 đến nay cụ Tấc chưa được nhận tiền điều dưỡng lần nào, nên gia đình không đồng ý với lời xin lỗi của cán bộ này.

Chị Tâm, con dâu cụ Nguyễn Thị Quy cho biết: Mẹ chị đã qua đời năm 2018, vừa rồi thấy dư luận xôn xao nên chị đã hỏi bà Hân, cán bộ thương binh xã hội, về số tiền chính sách của mẹ chị, thì bà Hân đã đến xin lỗi và trả lại số tiền 2.220.000 đồng. Chị Tâm hỏi về số tiền của các kỳ điều dưỡng từ 2005, thì bà Hân nói là khi ấy cụ Quy đã lĩnh tiền và ký nhận. Nhưng bà Hân đã không đưa ra sổ sách nào thể hiện việc cụ Quy đã ký nhận.

Theo thống kê sơ bộ của phóng viên, ở thôn Như Lân có khoảng 24 hộ gia đình chính sách bị ăn chặn tiền điều dưỡng. Sau khi biết có phóng viên vào cuộc tìm hiểu, thì cán bộ xã có đi trả lại tiền, nhưng chỉ là một phần nhỏ so với chế độ các gia đình được hưởng.

3

Ông Nguyễn Đức Hồng - PCT UBND xã Long Hưng.

Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó chủ tịch phụ trách UBND xã Long Hưng, cho biết mới được giao nhiệm vụ tiếp quản công việc phụ trách điều hành xã, nên cũng không nắm được sự việc, còn lĩnh vực này thì năm 2005 đến 2010 là ông Đoàn Văn Nhường phụ trách. Sau khi ông Nhường lên làm phó chủ tịch xã, thì bà Nguyễn Thị Hân phụ trách từ năm 2010 đến 2018, hiện nay xã cũng chỉ nghe dư luận chứ chưa nhận được đơn phản ánh của người dân. UBND xã sẽ chỉ đạo các trưởng thôn kiểm tra và báo cáo sự việc.

Sau đó, ông Hồng giới thiệu phóng viên gặp cán bộ phụ trách Thương binh lao động xã hội là bà Cao Thị Chung Thủy. Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho biết, mới tiếp nhận công việc được ba tuần, chưa được bàn giao hồ sơ nên không nắm được cụ thể.

Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với bà Nguyễn Thị Hân để tìm hiểu rõ vụ việc nhưng bà Hân luôn viện lí do để tránh mặt.

Câu chuyện vẫn chưa dừng ở đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiết lộ những điều khó tin ở tập sau trên TV.nguoiduatin.vn.

Cao Thạch Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/bai-1-nhung-giot-nuoc-mat-khong-roi-an-chan-tien-chinh-sach--p1342.html