Được thành lập cách đây không lâu nhưng “Bếp ăn tình thương” ở Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội Hà Nội do một nhóm những nhà hảo tâm sáng lập đã trở thành địa chỉ nhân đạo, giúp nhiều lượt bệnh nhân cảm thấy ấm lòng hơn trong quá trình điều trị.
Từ 6h sáng, các thành viên trong nhóm thiện nguyện – hầu hết đều đã 50 60 tuổi thức dậy từ sáng sớm, lên thực đơn, đi chợ và lựa chọn đồ tươi ngon để chế biến. Mỗi người một việc, họ chung tay dành hết tâm huyết vào từng suất cơm cho bệnh nhân. Dù tuổi đã cao nhưng những đôi bàn tay ấy vẫn thoăn thoắt, nêm nếm những món ăn tuy đơn giản nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng. Điều đặc biệt là các tình nguyện viên này đều quê ở An Giang, tình nguyện ra Bắc nấu nướng để làm từ thiện, với mong muốn san sẻ nỗi khó khăn với những người bệnh và gia đình của họ.
Mỗi ngày bếp ăn tình thương này phục vụ từ 70 đến 120 suất cơm cho bệnh nhân và người nhà. |
Bếp ăn đỏ lửa phục vụ cháo và cơm chay từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Mỗi ngày cung cấp từ 70 đến 120 suất cơm. Sau khi nấu xong, nhóm bắt đầu mang cơm đến bệnh viện để gửi tới tận tay cho những bệnh nhân và những người có nhu cầu. Dù chạy rong ruổi khắp trưa trời nắng gắt nhưng những nụ cười và lời cảm ơn từ người nhận đã tiếp thêm động lực để nhóm thiện nguyện hăng say với công việc cao cả này.
Có mặt tại bếp ăn tình thương Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội vào 10h30 trưa, chúng tôi thấy bệnh nhân và người nhà đã xếp hàng chờ rất đông. Bệnh nhân ở đây chủ yếu là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Điều chúng tôi cảm nhận rất rõ là những nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của bệnh nhân hay thân nhân của người bệnh khi được chia sẻ nỗi khó khăn vất vả qua những bữa ăn đầy nghĩa tình.
Nhóm thiện nguyện đang chuẩn bị bữa trưa cho bệnh nhân ở Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội Hà Nội. |
Chỉ trong vòng 20 phút, gần 100 suất cơm và thức ăn đã được phát hết. Người ngồi, người nằm trên giường bệnh, quây quần cùng nhau, vừa ăn vừa cười nói, vừa tấm tắc khen ngon… Không chỉ là những suất cơm, những người hoạt động ở bếp ăn này còn mang đến sự đồng cảm, là nguồn cổ vũ tinh thần để những người bệnh có niềm tin vào cuộc sống, để tiếp tục mạnh mẽ, chống chọi với bệnh tật.
Chúng tôi và đặc biệt là những người bệnh cảm nhận rõ hơn hết tinh thần “lá lành đùm lá rách”, lòng nhiệt huyết và tình yêu thương, chia sẻ tỏa ra từ những con người ấy, những việc làm hết sức ý nghĩa ấy. Cho đi chẳng mong nhận lại. Có lẽ, thứ duy nhất mà những con người đã đi qua nửa đời người ấy muốn thấy đó là những nụ cười hạnh phúc, là niềm hy vọng và sự bền bỉ chiến đấu của những chiếc lá chưa lành.
Cao Thạch Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/bep-am-tinh-thuong-suat-com-mien-phi-tang-benh-nhan-ngheo-p1344.html