Hà Nội: Đầm Đỗi bị “bức tử”, ba chủ tịch phường chịu trách nhiệm gì?

Thời gian qua, sau loạt bài phản ánh về hoạt động hủy hoại môi trường nghiêm trọng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội được đăng tải, Truyền hình báo Người Đưa Tin liên tục nhận được phản ánh của người dân về việc một đầm nước trên địa bàn quận Hoàng Mai bị hủy hoại nghiêm trọng, có nguy cơ bị xóa sổ.

 

Đầm Đỗi nằm song song giữa phố Định Công, Nguyễn Cảnh Dị và đường Giải Phóng (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Theo tìm hiểu của PV, đầm Đỗi có diện tích cả chục nghìn m2 thuộc quản lý của 3 phường, trong đó phường Định Công quản lý mặt nước và một nửa bờ đầm, phần bờ đầm còn lại do phường Thịnh Liệt và phường Đại Kim quản lý. Một số người dân nơi đây cho biết, trước đây nơi này có đầm Đỗi 1 và đầm Đỗi 2 nhưng sau nhiều năm bị lấn chiếm, san lấp thì nay chỉ còn một đầm Đỗi với diện tích rất nhỏ so với trước kia. Cùng với đó, quanh khu vực đầm Đỗi số lượng nhà cấp 4, nhà xưởng, thậm chí cả những ngôi nhà kiên cố mọc lên ngày một nhiều.

Hủy hoại môi trường, xâm hại đầm Đỗi

Có mặt tại đầm Đỗi, PV nhận thấy dưới đầm xuất hiện nhiều điểm đổ rác, phế thải xây dựng. Trong đó có cả rác thải xây dựng của các khu chung cư gần đó đang được tập kết, đốt cháy trên mặt đầm.Nghiêm trọng hơn, cuối phố Nguyễn Công Thái thuộc địa bàn phường Đại Kim quản lý có tổng kho đá Thiên Sơn 4 hoạt động kinh doanh cắt, xẻ đá tự nhiên với số lượng lớn. Đá vụn, rác thải trong xưởng liên tục được công nhân chở ra đổ trực tiếp xuống đầm.Theo ước tính, tổng kho đá Thiên Sơn 4 đã đổ hàng chục tấn đá, rác thải trong xưởng xuống đầm Đỗi, có nơi cao đến 2m.

dji017900315406still007

Rác thải đang hủy hoại môi trường, xâm hại đầm Đỗi.

Ngoài ra, nối với đoạn này là hàng trăm m3 rác thải xây dựng như: bê tông, rác, đất thải xây dựng được các xe tải, xe công nông hàng ngày chở vào đổ chải dài hàng trăm mét bờ đầm, diện tích hàng nghìn m2 cũng vì thế ngày bị thu hẹp.Chưa dừng lại ở đó, trên bờ đầm, một số cơ sở kinh doanh khác cũng ngang nhiên đào mương, lắp cống và xả trực tiếp nước thải xuống đầm khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Vi phạm trật tự xây dựng

Cũng tại khu vực này, sau khi rác và phế thải xây dựng được đổ xuống, một số cá nhân đã tiến hành san lấp lấy mặt bằng, đồng thời đổ nền bê tông, tạo thành khung sắt kiên cố, lợp mái với diện tích cả trăm m2 kéo dài theo bờ đầm để làm trang trại chăn nuôi lợn... Trang trại lợn đang được xây dựng với cả chục ngăn với đầy đủ lò nấu, hệ thống tắm rửa sau đó chất thải theo cống chảy trực tiếp xuống đầm.

Theo người dân nơi đây, tình trạng đổ rác, phế thải xây dựng, lấn chiếm đầm Đỗi để xây dựng trang trại, nhà cửa đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng không mấy bị xử lý khiến môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Nhiều người dân lo ngại đầm Đỗi có thể bị xóa sổ trước tình trạng như hiện nay nếu như UBND phường Định Công, UBND quận Hoàng Mai không có biện pháp tích cực để ngăn chặn, bảo vệ.

11111111111

Lấn chiếm đầm Đỗi để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn.

Theo khoản 1, điều 12 của Luật đất đai 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với đất đó là: Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.

Theo của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định rõ việc lấn, chiếm đất sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng tùy vào loại đất. 

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau khoản 1 điều 10 nghị định 102 đây:

đ) Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Theo khoản 4, điều 20 nghị định 179/2013 quy định về xử phạt đối với hành vi chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường không đúng nơi quy định hoặc không đúng quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 250.000.000 đồng tùy thuộc vào số lượng m3 (hoặc tấn).

Với tất cả các hành vi lấn, chiếm, xây dựng trái phép và hủy hoại môi trường đều được pháp luật quy định về biện pháp khắc phục hậu quả là:

Buộc trả lại, khôi phục lại tình trạng của đất trước khi đã lấn, chiếm, xây dựng; buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm  gây ra.

Câu hỏi đặt ra là vì sao tình trạng hủy hoại môi trường, xây dựng trái phép tại đầm Đỗi lại diễn ra công khai, phức tạp như vậy? Tất cả sẽ được hé lộ ở loạt bài sau sau khi PV đã có buổi ghi hình bí mật trong một lần tổ công tác của UBND phường Định Công tiến hành giải tỏa xây dựng trái phép ở đây.

 

Vũ Dũng

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/ha-noi-dam-doi-bi-buc-tu-cha-chung-khong-ai-khoc-p1463.html