Bài 3: Lãnh đạo huyện Đông Anh có vô can?

Theo hồ sơ đất đai, thể hiện mục đích là đất ở, không phải đất dịch vụ thương mại. Không có tài liệu thể hiện cơ quan thẩm quyền chấp thuận thay đổi mục đích sử dụng đất. Điều này thể hiện, cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất ở, vi phạm Luật đất đai.

Trong các phóng sự trước, chúng tôi đã phản ánh nhiều biểu hiện khuất tất của các doanh nghiệp nhằm lừa dối khách hàng, đồng thời cũng vạch rõ những khuất tất của Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Đông Anh, Hà Nội, do ông Nguyễn Xuân Linh, PCT UBND huyện Đông Anh ký quyết định thành lập. Trong phần này chúng tôi xin để cập tới trách nhiệm và sự liên quan của ông Phạm Văn Châm, nguyên Chủ tịch huyện, nay là Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Đông Anh.

Như đã phản ánh trong các bài trước, Cửa hàng xăng dầu Vân Trì (ở số 57 phố Vân Trì, Đông Anh, Hà Nội) hiện đang có tới 2 doanh nghiệp khác nhau sở hữu là Cty CP sản xuất thương mại và dịch vụ Thiên An và Cty TNHH gas An Bình. Ngay chính các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cũng như huyện Đông Anh cũng không có sự nhất quán về chủ sở hữu chính xác, thậm chí nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn, nên xảy ra tình huống “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Đoàn kiểm tra liên ngành với 11 thành viên, gồm lãnh đạo, cán bộ của nhiều ban, ngành khác nhau của huyện, đều “không phát hiện gì” một cách kỳ quặc.

anh4

Hiện đang có tới 2 doanh nghiệp khác nhau sở hữu cửa hàng xăng dầu Vân Trì

Theo đề nghị của PV, ông Chánh văn phòng đề nghị phòng ban chuyên môn cung cấp tài liệu như các PV đã đăng ký xin cung cấp từ trước đó nhiều ngày. Cũng cần phải nói rằng, phía huyện Đông Anh rất tôn trọng luật báo chí và tạo điều kiện để báo chí tác nghiệp, đặc biệt là vị Chánh văn phòng Hoàng Hải Đăng. Do vậy, PV đã tiếp cận được với nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có hồ sơ đất đai, xây dựng liên quan đến cửa hàng xăng dầu Vân Trì.

Trong đó, chi tiết mâu thuẫn nhất và cũng dễ thấy nhất là nguồn gốc đất. Tại buổi làm việc với UBND huyện Đông Anh, ông Phạm Đức Trọng - Phó Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đông Anh đã cung cấp cho PV một bộ hồ sơ khá “tiết kiệm”, trong đó có “Biên bản” của đoàn liên ngành kết luận cửa hàng xăng dầu “không vi phạm gì, đoàn kiểm tra không xử lý gì”. PV đề nghị cung cấp các tài liệu liên quan để thể hiện doanh nghiệp “không vi phạm gì”, thì vị Phó phòng khẳng định chắc nịch rằng: “Chúng tôi chịu trách nhiệm về thông tin của mình”. Ông Phó phòng nói vậy, nhưng chúng tôi có lý do để chưa đặt trọn niềm tin.

Ngoài ra, một văn bản do ông Phạm Văn Châm ký khi giữ chức PCT UBND huyện Đông Anh, lại thể hiện công trình cửa hàng xăng dầu Vân Trì xây dựng không phép. Bởi, hồ sơ UBND huyện cung cấp chỉ có duy nhất một Giấy phép xây dựng số 04/GP-UB cho phép “Sửa chữa trạm xăng”. Phía cơ quan chức năng không hề cung cấp bất cứ văn bản tài liệu nào về việc cho phép xây dựng trạm xăng hay cửa hàng xăng dầu từ trước đó đến khi có Giấy phép số 04 nói trên.

anh2

Giấy phép xây dựng số 04/GP-UB do ông Phạm Văn Châm ký

Theo hồ sơ đất đai, thể hiện mục đích là đất ở, không phải đất dịch vụ thương mại. Không có tài liệu thể hiện cơ quan thẩm quyền chấp thuận thay đổi mục đích sử dụng đất. Điều này thể hiện, cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất ở, vi phạm Luật đất đai. 

Như vậy, có thể nói, ông Phạm Văn Châm đã ký Giấy phép xây dựng, cho phép “cải tạo, sửa chữa” một công trình không phép hoặc trái phép. Nói cách khác, lãnh đạo huyện Đông Anh đã ngang nhiên hợp thức hoá cho công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trách nhiệm của ông Châm đến đâu thì UBND cũng như Huyện ủy Đông Anh cần làm rõ và xử lý theo quy định.

Trở lại với đoàn liên ngành, vấn đề đất đai, xây dựng thể hiện trên giấy trắng mực đen  rõ ràng như vậy, lại “không phát hiện gì” thì khó mà đổ lỗi do chuyên môn nghiệp vụ, mà phải là nguyên nhân khác. 

Vị Phó phòng Kinh tế Hạ tầng từng tự tin với kết luận “không phát hiện vi phạm gì” và khẳng định sẽ chịu trách nhiệm với thông tin mình cung cấp, sẽ trả lời với dư luận thế nào khi chúng tôi đã chỉ ra hàng loạt khuất tất, vi phạm của doanh nghiệp? 

anh3

Đoàn kiểm tra liên ngành với 11 thành viên, gồm lãnh đạo, cán bộ của nhiều ban, ngành khác nhau của huyện.

Giả sử như việc ông Châm ký Giấy phép xây dựng hợp thức hoá cho công trình trái phép, thì phải tham mưu để khắc phục, xử lý kịp thời. Bởi xét cho cùng, ông Châm ký Giấy phép cũng chính từ sự tham mưu của các bộ phận chuyên môn. Thêm nữa, 11 cán bộ đoàn liên ngành gồm lãnh đạo, cán bộ các Phòng, Ban chuyên môn không thể phát hiện ra vấn đề như chúng tôi đề cập ở trên, để từ đó tham mưu cho lãnh đạo, liệu đã hoàn thành nhiệm vụ hay chưa? 

Thế nên bây giờ, UBND huyện Đông Anh cần làm rõ tính pháp lý của Giấy phép số 04 mà ông Phạm Văn Châm từng ký, nếu sai thì cần thu hồi, hủy bỏ. Với ông Phạm Văn Châm, trường hợp cố tình hợp thức hoá cho sai phạm thì chúng tôi không nói, còn nếu lý do khách quan, vô tình thì phải xem lại bộ phận tham mưu của mình, xem cấp dưới có “bẫy” cấp trên hay không để xử lý nghiêm minh.

Bài sau, chúng tôi sẽ đề cập đến hoạt động công vụ của lực lượng PCCC Công an huyện Đông Anh tại cửa hàng xăng dầu Vân Trì. Nếu không phải “cưỡi ngựa xem hoa” thì khó tránh nghi vấn khuất tất phía sau.

 

Vũ Thuỳ Dương

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/bai-3-lanh-dao-huyen-dong-anh-co-vo-can--p1480.html