Theo quan sát thực tế của PV, từ đường quốc lộ 3 đi qua cổng làng Đông Sinh khoảng 100m xuất hiện một khu vực quây tôn rộng lớn với diện tích rộng hàng vạn m2 đã được san lấp đất bằng phẳng. Hiện trạng trước đó là các ruộng lúa.
Một người dân địa phương (xin được giấu tên) tiết lộ, toàn bộ ruộng lúa này do người phụ nữ là bà Sinh đứng ra mua gom của người dân, sau đó tiến hành san lấp đất. Để PV có thêm thông tin về những nhân vật này, người dân cho biết thêm, bà Sinh có người con gái tên là Hường và con rể tên là Cường.
“Họ mới cho đổ đất được mấy tháng, trước nhiều xe ben chở đất, đá vào đổ khiến đường bụi bẩn nhiều người dân đã có ý kiến thì vợ chồng anh Cường, chị Hường đã cho xe bồn chở nước về rửa đường. Còn về việc mua gom ruộng và san lấp để làm gì thì tôi không rõ”, một người dân khác nói.
Hàng vạn m2 đất lúa được mua lại rồi san lấp trái quy định? |
Tìm hiểu thêm qua dân làng, PV được biết bà Sinh là người địa phương, cũng làm nông nghiệp như mọi người. Với giá thị trường khoảng 100 triệu đồng/sào thì số ruộng mua gom và san lấp đất như trên cũng dự tính nhiều tỷ đồng. Có thể dùng số tiền lớn như vậy để gom đất cũng thuộc hàng “đại gia”.
Ngoài việc “phục” độ giàu có của bà Sinh, thì dư luận địa phương cũng đang băn khoăn về cơ sở pháp lý liên quan đến việc mua gom đất lúa và san lấp đất. Thậm chí đã xuất hiện những “lùm xùm” rằng, bà Sinh có “ông lớn” đứng phía sau nên mới có thể làm được như vậy, bởi các thủ tục chuyển nhượng và chuyển đổi mục đích sử dụng hàng vạn m2 đất nông nghiệp là rất khó và nhiều thủ tục liên quan.
Mảnh đất rộng lớn thông với phía sau ngôi nhà của gia đình ông Phan Mạnh Cường (Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên). |
Để có thông tin khách quan, đa chiều, ngày 11/11, PV đã liên hệ làm việc với UBND xã Hồng Tiến để tìm hiểu việc chuyển nhượng và san lấp đất có đầy đủ thủ tục pháp lý hay không. Tuy nhiên, đại diện UBND xã hứa hẹn nhưng sau đó không hồi âm. Liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Viết Đinh, Chủ tịch UBND xã, PV cũng chỉ nhận được sự im lặng.
Theo xác minh của PV, toàn bộ khu vực ruộng lúa có dấu hiệu bị san lấp đất trái phép này được dựng một cánh cổng lớn ở phía đường bê tông, và xung quanh đã được quây tôn với xây tường bao quanh.
Khu đất trồng lúa được san lấp quây tôn, xây tường bao quanh. |
Ngoài ra, khi quan sát PV còn phát hiện mảnh đất rộng lớn này còn thông với phía cửa sau ngôi nhà của gia đình ông Phan Mạnh Cường (Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên). Có sự trùng hợp ngẫu nhiên, là mẹ vợ ông Cường cũng có tên trùng với người phụ nữ mua gom và san lấp đất lúa mà PV đề cập ở trên.
Để tránh dư luận xấu ở địa phương, thay vì tránh né báo chí, UBND xã Hồng Tiến cần chủ động thông tin, công khai hồ sơ pháp lý liên quan để rộng đường dư luận. Trường hợp ngược lại, nếu chuyển nhượng, san lấp đất lúa trái pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm cá nhân vi phạm, đồng thời cũng phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương khi để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Quốc Long
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/thai-nguyen-hang-van-m2-dat-lua-bi-san-lap-trai-quy-dinh-p1526.html