Khoảng 13h00 ngày 18/3/2019, các anh Phạm Văn Tiệp (SN 1987), Khổng Văn Nghiêm (SN 1984), Trần Minh Chiến (SN 1990), Phạm Đình Diệm (SN 1985), Nguyễn Minh Đức (SN 1973) cùng trú tại xã Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc đi dự một đám cưới trong xã rồi rủ nhau vào nhà anh Nguyễn Văn Anh gần đó chơi tú lơ khơ. Khoảng 14h, anh Diệm nghỉ chơi nên anh Nguyễn Minh Đức (SN 1973) xin vào chơi cùng.
Bắt quả tang
Theo hồ sơ điều tra của Công an huyện Tam Đảo: Khoảng 14h30, khi công an tiến hành bắt quả tang thì anh Trần Minh Chiến vơ tiền trên chiếu rồi lên giường nằm. Công an tạm giữ, niêm phong 2.575.000đ của anh Chiến. Công an cũng tạm giữ của Khổng Văn Nghiêm 2.700.000đ, anh Trần Minh Chiến 1.230.000đ, anh Nguyễn Minh Đức 1.000.000đ, anh Phạm Văn Tiệp 540.000đ. Riêng anh Phạm Đình Diệm đã ra về trước đó, đến ngày 11/4/2019 thì ra đầu thú.
Cả 4 người gồm Tiệp, Nghiêm, Diệm, Chiến cùng bị khởi tố về hành vi đánh Bạc theo khoản 1, điều 321 Bộ luật hình sự, đồng thời áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Riêng Đức, cơ quan CSĐT cho rằng Đức vừa vào chơi, chưa xác định được số tiền đánh bạc nên không xử lý hình sự mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên hồ sơ vụ án bị VKS nhân dân huyện Tam Đảo trả lại để điều tra lại, yêu cầu làm rõ hành vi của Nguyễn Minh Đức thì công an huyện khởi tố Đức cùng tội danh như trên.
Nơi xảy ra vụ việc. |
Bị can và nhân chứng đồng loạt phản ứng
Sau khi bị khởi tố về tội danh đánh bạc, 4 trong số 5 bị can đã kêu oan. Đáng chú ý là có tới 5 trong 6 nhân chứng có tên trong hồ sơ điều tra cho rằng mình không được chứng kiến việc bắt giữ, kiểm đếm số tiền thu trên chiếu bạc.
Anh Trần Minh Chiến cho rằng: "Khi công an vào mọi người đã đứng dậy, tôi nằm trên giường, công an đã lôi tôi dậy, lấy tiền trong túi tôi ra ném xuống chiếu, số tiền đó chỉ tầm mấy trăm chứ không phải 2.575.000đ như biên bản".
Anh Phạm Văn Nghiêm nói: "Thực tế khi công an vào bắt giữ, chúng tôi đã đứng dậy, trên chiếu chỉ có 120.000đ, CQCA không lập biên bản, không kiểm đếm số tiền để niêm phong. Đặc biệt không biết bằng cách nào số tiền của tôi lại nhiều như vậy, tôi chỉ có 350.000đ nhưng cơ quan CA lại kết luận tôi có 3.050.000đ, bản thân tôi bị đánh đập, ép cung".
Anh Phạm Đình Diệm cho biết: "Tôi có 400.000đ, chơi còn 230.000đ thì tôi về, sau đó công an ập vào bắt giữ, ngày 1/4 tôi ra đầu thú, tuy nhiên điều tra viên Hoàng Trọng Lịch nói số tiền trong hồ sơ không khớp, bây giờ Tiệp, Nghiêm, Chiến nhận hết rồi, em nhân thêm mấy trăm nữa cho khớp 2.575.000đ trên chiếu".
Các bị can và nhân chứng đểu cho rằng không được chứng kiếnviệc bắt giữ, kiểm đếm số tiền thu trên chiếu bạc. |
Nhân chứng Phạm Văn Dương thì tiết lộ: "Tôi thấy công an vật anh Chiến xong ném tiền ra, nhưng không lập biên bản gì cả, sau đó ông Đồi công an xã mới đến. Thực tế số tiền đấy không kiểm đếm mà cứ cho vào phong bì rồi bảo chúng tôi ký. Khi về công an huyện, họ ghi 2.575.000đ bảo tôi ký làm chứng nhưng tôi không ký, đến nửa đêm họ bảo ký đi để về. Hôm sau lại có một biên bản mới thêm nhiều tiền lắm bảo đó là tiền lục người này người kia".
Cùng quan điểm trên, nhân chứng Trần Văn Thu nói về việc xác nhận: “Chúng tôi không được chứng kiến kiểm đếm số tiền là bao nhiêu, công an chỉ đọc số tiền cho chúng tôi ghi và nói tất cả các nhân chứng đều khai nhận rồi, lúc ấy 11h đêm, công an bảo chúng tôi ký nhận để còn về nên tôi ký”.
Luật sư Bùi Thị Thủy, văn phòng luật sư Vì Dân, người bào chữa cho các bị cáo nhận định: "Sau khi nghiên cứu các bút lục hồ sơ vụ án tôi thấy hồ sơ rất lủng củng. Lời khai trong hồ sơ bất đồng quan điểm với lời khai của các bị cáo, nhân chứng, trong hồ sơ có rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên chưa đủ căn cứ theo quy định pháp luật để đưa các bị cáo ra truy tố, xét xử. Theo quan điểm của văn phòng luật sư Vì Dân thì đề nghị trả lại hồ sơ để điều tra lại".
Luật sư Thủy cũng phân tích lúc 14h30 cơ quan công an mới bắt quả tang tại hiện trường, nhưng cùng thời điểm này biên bản đã được lập tại CA huyện là điều không thể. Chưa kể đến việc cơ quan CA thu giữ tiền và tài sản của người làm chứng và các bị can mà không có biên bản và lệnh khám xét là sai với quy định pháp luật.
Nhân chứng... tạo dựng?
Để có thông tin khách quan về vụ việc, PV đã liên hệ với Công an huyện Tam Đảo. Tuy nhiên đại diện Công an huyện Tam Đảo từ chối trả lời vì cho rằng không thuộc thẩm quyền.
Còn ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Viện phó VKS nhân dân huyện Tam Đảo cho biết: "Hiện tại chưa thể cung cấp thông tin vì vụ án điều tra, truy tố, xét xử bình thường, khách quan, không có ép cung, còn chưa biết bao giờ có thể cung cấp được".
Khi được hỏi có hay không việc một nhân chứng không có mặt tại hiện trường nhưng lại được gọi làm nhân chứng bắt quả tang thì ông Quỳnh cho biết: "Không có, không ai làm cái chuyện ngược đời đấy cả".
Tuy nhiên, tại một file ghi âm mà PV thu thập được và văn bản có xác nhận của của UBND xã Đại Đình thì ông Phạm Văn Đồi (công an viên xã Đại Đình) xác nhận: "Không được chứng kiến từ đầu, khi tôi đến hiện trường thì công an đã bắt bạc xong, các phong bì đã được niêm phong, tôi không được chứng kiến và ký vào bất kỳ phong bì nào". Thế nhưng bằng cách nào đó, tại biên bản bắt người phạm tội quả tang của cơ quan công an lại ghi rõ ông Phạm Văn Đồi, công an viên xã là người chứng kiến.
Ký tên Phạm Văn Đồi, có trong biên bản bắt người phạm tội quả tang của cơ quan công an. |
Gia đình các bị can cho biết, sau khi kết luận điều tra của cơ quan công an họ cảm thấy vô cùng thất vọng và nghi ngờ có sự khuất tất trong điều tra. Gia đình các bị can đã có đơn khiếu nại, kêu cứu lên đến các cơ quan chức năng. Phía luật sư cũng đã có văn bản gửi tới các cơ quan chức năng ở tỉnh và trung ương đề nghị giám sát chặt chẽ quá trình điều tra, xét xử vụ án này để xử lý đúng người đúng tội, đúng mức vi phạm, tránh oan sai.
Truyền hình báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Cao Thạch Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/vu-an-danh-bac-o-tam-dao-vinh-phuc-ho-so-mo-ho-p1632.html