Cần có biện pháp bảo vệ di tích thành Cổ Loa

Là một trong những di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội nhưng thành Cổ Loa đã bị xâm phạm nghiêm trọng trong thời gian dài, do nhiều yếu tố. Quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích đã có, nếu không có biện pháp bảo vệ cũng như khai thác hợp lý, nguy cơ “mất” thành cổ là không thể tránh khỏi.

Di tích Cổ Loa được xếp hạng từ năm 1962, đến năm 2012 được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Cổ Loa nằm trên một địa bàn rất rộng, đông dân cư trước khi được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt nên đã có các công trình xây dựng, nhà ở riêng tư, hệ thống giao thông... tồn tại từ trước đó.

Những vi phạm ở di tích Cổ Loa là rất phức tạp. Người dân canh tác nông nghiệp trên mặt thành, nuôi cá dưới hào, một số đoạn thành biến thành đường. Quy mô di tích rộng lớn là thế, vậy mà cả hệ thống thành nội gần như mất hết, chỉ còn vài ụ đất, hai vòng thành ngoại và trung vẫn giữ được hình dáng nhưng không còn chiều cao. Nhiều đoạn bị người dân xây tường rào dây thép gai, việc ứng xử với di tích quốc gia đặc biệt rất phản cảm. 

968270262784630199831654628058249076146176n

Thành Cổ Loa được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012

Đại diện BQL di tích cho biết: “Quan điểm của tôi là làm sao bảo vệ được di tích cho bền vững, để cho các thế hệ mai sau, cái mà xử lý vi phạm làm sao cố gắng đề xuất chính quyền các cấp giải quyết triệt để, tuyên truyền cho các hộ dân không vi phạm nữa”.

Bất cập lớn nhất hiện nay là các khu vực thành, hào. Việc người dân lấn chiếm, xâm phạm xây dựng nhà ở có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân lớn nhất là do các hộ dân sinh sống trên thành, hào từ nhiều đời nay, và đất đó có sổ đỏ. Chính những điều này gây rất nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm.

956064936852687889155971440947981481148416n

Nhiều người dân xây tường rào, trông cây, rau lên khu vực thành gây phản cảm.

Nhu cầu xây dựng cơi nới nhà cửa vẫn có do mật độ dân số cao. Để giảm tình trạng này, phía cơ quan chức năng đã có nhiều chủ trương lớn kèm theo quy hoạch tổng thể như giãn dân liên quan đến hỗ trợ kinh phí để đền bù trong các khu vực bảo vệ bảo tồn thành cổ.

Phó chủ tịch UBND xã Cổ Loa, ông Nguyễn Kim Nhật cho biết: "Xã liên tục tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, hai là phối hợp với Ban quản lý di tích, tuyên truyền vận động người dân cố gắng hạn chế vi phạm, đặc biệt là xây mới, khôi phục hiện trạng mới. UBND xã Cổ Loa và Ban quản lý di tích đã thành lập một đội có sự tham gia của cán bộ quản lý địa chính, thanh tra xây dựng. Hàng năm, hàng quý, hàng tháng khi phát hiện sai phạm đều phối hợp với nhau để giải quyết".

961101506712364003076233144093047684333568n

Nhà kiên cố đang được dựng lên trong khu Di tích Ao Mắm 

Thực tế cho thấy tại di tích Thành Cổ Loa đang tồn tại nghịch lý trong quản lý, bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt. Đó là chỉ tập trung quản lý, bảo tồn các công trình kiến trúc, trong khi giá trị lớn nhất nằm ở thành, hào bao quanh lại bị xem nhẹ, nguy cơ "mất" thành Cổ Loa là có cơ sở.

Đây là những vấn đề rất lớn mà các cơ quan liên quan đang phải đối diện. Muốn xử lý dứt điểm các tồn tại đã diễn ra trong nhiều năm, ngoài tham khảo ý kiến của các chuyên gia, thì TP. Hà Nội phải giải quyết được mối quan hệ giữa quyền lợi của người dân và thẩm quyền của cơ quan quản lý. Lúc đó tình trạng xâm hại di tích thành Cổ Loa mới chấm dứt. 

Nguyễn Văn Trung

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/can-co-bien-phap-bao-ve-di-tich-thanh-co-loa-p1734.html