Không có con đường nào cho người thợ lên núi, không có thiết bị an toàn, những người thợ núi phải liều mình bám dây leo qua từng vách đá. Việc khai thác cắt tầng nhằm đảm bảo an toàn cũng không được chú trọng.
Khi tiếng khoan đá vang lên, cả một góc rừng bị náo động. Người thợ núi nép mình trên vách đá mà không có một thiết bị an toàn nào. Một đôi tất tay cũng không. Phía trên đang khoan đá, bên dưới, người và máy móc vẫn rầm rộ làm việc.
Sự an toàn của những người thợ núi gần như chưa được quan tâm, có lẽ nó chỉ dựa vào sự may rủi của đôi bàn chân nếu không may bị trượt ngã và công việc này chỉ dành cho những người thực sự có lòng liều lĩnh.
Những người thợ núi bất chấp nguy hiểm leo từng vách núi để nổ mìn khai thác đá. |
Sau khi hàng chục kg thuốc nổ được vận chuyển, nhồi nhét, những tiếng nổ long trời lại vang lên. Đây là nguyên nhân khiến hàng chục hộ dân tại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang khiếp sợ, ăn không ngon, ngủ không yên bởi ngoài sự chấn động mạnh, những ngôi nhà cách vị trí nổ mìn chừng 200 đến 500m hầu hết đều có hiện tượng bị rạn nứt, hư hỏng.
Để chứng minh cho lời nói của mình, người dân dẫn cho PV xem những vết nứt khắp trần nhà, cửa kính.
Anh Phạm Quang Tuấn, trú tại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Mỏ đá của Công ty 232 nổ để đá bay vào nhà tôi, thậm chí đang ăn cơm, đá bay vào thức ăn, rồi làm vỡ tấm lợp ở trên trần nhà".
Ông Hà Văn Khuê, một người dân sống gần mỏ đá lâu năm bức xúc: "Tiếng nổ của nó như kiểu bom B52 ở những thời năm 1972, 1975".
Hình ảnh ghi lại cảnh nổ mìn khai thác đá của Công ty 232. |
Anh Phạm Văn Dũng, trú tại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết thêm: "Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã, thế nhưng các anh vẫn không xử lý, nổ mìn vẫn cứ rung, nhà tôi bị vỡ một cái gương, sau đó các anh bên Công ty 232 sang đền cho cái gương mới".
Trao đổi với PV hồi tháng 3/2020, ông Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Thái Sơn cho biết: "Mỏ đá thì đã được cấp phép hoạt động từ lâu, tuy nhiên việc nổ mìn thì phía công ty thuê một đơn vị khác thực hiện". Về nội dung tài liệu khác, ông Hùng hẹn làm việc và cung cấp cho PV sau.
|
Người dân sống gần mỏ đá Công ty 232 phải gánh chịu sự tổn hao tài sản vì việc nổ mìn. |
Cũng sự an toàn của người dân, theo quan sát của PV, khu vực mỏ đá của Công ty 232 không có bất kỳ hàng rào bảo vệ nào, người dân vẫn tự do đi lại vào mỏ, ngay dưới chân mỏ có một con đường liên thôn, người dân, xe cộ, học sinh cũng tự do qua lại.
Theo người dân, họ cũng chỉ biết mỏ đá nổ mìn vào buổi trưa và chiều tối chứ không biết chính xác mấy giờ bởi ngoài cổng mỏ ghi giờ nổ một kiểu, trong mỏ ghi một kiểu khiến họ như bị thách đố, đến giờ nổ mìn tiếng còi và loa thông báo rất nhỏ, nhiều người đi vào mỏ mới biết chuẩn bị nổ mìn thì vội bỏ xe tìm chỗ ẩn nấp.
Người dân tự do đi lại vào mỏ đá. |
Việc Công ty 232 nổ mìn khai thác đá không đảm bảo an toàn, không chỉ làảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân mà còn gây hư hỏng, thiệt hại lớn về tài sản trong nhiều năm qua, người dân bức xúc đã nhiều lần đã phản ánh lên UBND xã nhưng tình trạng này vẫn không thuyên giảm.
Truyền hình Người Đưa Tin Pháp Luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc ở bài sau.
Cao Thạch Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/ham-yen-tuyen-quang-bai-1-mo-da-pha-nha-dan-can-giai-phap-an-toan-p1754.html