Theo Giấy phép khai thác số 38 ngày 30/8/2018 của UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép cho Công ty TNHH một thành viên Lê Phát An (gọi tắt là Cty Lê Phát An) thể hiện: Cty Lê Phát An được phép khai thác cát, sỏi trên sông Phó Đáy, đoạn chảy qua xã Tuân Lộ, xã Hợp Hoà, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép cho Công ty Lê An Phát được phép khai thác cát, sỏi trên sông Phó Đáy. |
Tại giấy phép này cũng quy định rõ: Cty Lê Phát An được khai thác cát, sỏi bằng phương pháp lộ thiên, phương tiện khai thác là tàu hút với tổng diện tích là 45,78 ha. Tổng trữ lượng khai thác toàn mỏ là 664.450m3 trong thời gian khai thác là 23 năm. Đồng thời yêu cầu Cty Lê Phát An tiến hành khai thác khoáng sản theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất, và phương tiện theo đúng quy định trong giấy phép.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương và khảo sát thực tế của PV cho thấy, Cty Lê Phát An đã ngang nhiên hoạt động khai thác một cách bừa bãi, huỷ hoại môi trường nghiêm trọng.
Cty Lê Phát An ngang nhiên hoạt động khai thác một cách bừa bãi, huỷ hoại môi trường nghiêm trọng. |
Cụ thể, Cty Lê Phát An đã không dùng bất kỳ tàu hút cát nào mà thay vào đó là dùng máy cuốc trực tiếp múc cát, sỏi hai bên bờ sông chuyển về bãi tập kết. Theo ước tính của PV, tại khu vực khai thác của Cty Lê Phát An đang có hàng vạn khối cát, sỏi được chất đống chờ chở đi tiêu thụ.
Đáng nói, nhằm thuận tiện cho việc vận chuyển cát sỏi qua sông, Cty Lê Phát An đã ngang nhiên đắp khoảng 3/4 lòng sông rồi bắc cầu sắt nối hai bên bờ để các phương tiện vận chuyển cát, sỏi qua sông. Phía bờ sông bên kia, đối diện bãi cát, đơn vị này cũng dùng máy cuốc múc cát, sỏi đắp bờ sông rộng chừng 2,5m để các phương tiện vận chuyển đi qua.
Cty Lê Phát An đã ngang nhiên đắp khoảng 3/4 lòng sông rồi bắc cầu sắt nối hai bên bờ để các phương tiện vận chuyển cát, sỏi qua sông. |
Hơn nữa, dù chỉ được cấp phép khai thác dưới lòng sông Phó Đáy, tuy nhiên theo ghi nhận của PV, hiện tại, Cty Lê Phát An đã khai thác lấn chiếm nhiều vào diện tích đất canh tác bên bờ sông của một số hộ dân, tạo thành nhiều hố nước lớn nham nhở trên bờ.
Do sử dụng máy cuốc nên mỗi gầu cát, sỏi được moi lên từ đáy sông đã kéo theo nhiều bùn đất, làm cả đoạn sông luôn trong tình trạng đục ngầu. Ngoài ra, để phân loại cát và sỏi, Cty Lê Phát An đã phải dùng thiết bị sàng lọc. Tuy nhiên đơn vị này đã không có biện pháp đảm bảo môi trường khiến hàng triệu m3 nước thải đục ngầu đã chảy thẳng ra dòng sông Phó Đáy. Nhìn từ trên cao, dòng sông đã đổi màu.
Cty Lê Phát An dùng máy cuốc múc cát, sỏi đắp bờ sông rộng chừng 2,5m để các phương tiện vận chuyển đi qua. |
Hành vi này diễn ra ngay giữa ban ngày như một đại công trường trong suốt một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Doanh nghiệp được cấp phép khai thác tài nguyên, là đang được hưởng lợi từ thiên nhiên. Thế nhưng lại “trả ơn” bằng việc huỷ diệt môi trường tự nhiên, thì đó là hành vi “ăn cháo đá bát”.
Còn một số người ở vai trò quản lý từ huyện cho đến tỉnh, được xã hội và nhà nước phân công gìn giữ tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường, lại thờ ơ, buông lỏng công tác giám sát, xử lý, là vô trách nhiệm với môi trường, phụ lòng tin của nhân dân.
Cao Thạch Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/can-ngan-chan-hanh-vi-khai-thac-tai-nguyen-kieu-an-chao-da-bat-p1790.html