Tiếp bài “Đề nghị thu hồi 5 ‘sổ đỏ’ cấp trái quy định”: (Bài 4) Đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự?

Từ một tranh chấp đất đai, vốn là tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án nhân dân, một dân “anh chị” lại kéo theo nhiều “anh em xã hội” để giải quyết tranh chấp bằng bạo lực, dẫn đến hành vi xâm phạm chỗ ở công dân và huỷ hoại tài sản. Thiệt hại tài sản cũng như hành vi của các đối tượng đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự hay chưa thì một thời gian ngắn nữa CQĐT sẽ có câu trả lời. Đất đai, tiền bạc có thể có giá trị lớn, nhưng cái giá trị nhất vẫn là sự tự do. Bất chấp pháp luật, đánh đổi lợi ích đất đai, tiền bạc bằng những án phạt hình sự, thì thực sự đáng tiếc, thực sự không đáng và không nên làm.

Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin tóm tắt: Anh Nguyễn Văn Quý (SN 1973) cùng vợ con sinh sống ổn định và là người chiếm hữu thực tế khu đất Gò Mả Ôi ở phường Đông Ngạc từ xưa đến nay. Thửa đất này là tài sản chung của hộ gia đình anh Quý, do bố mẹ anh khai hoang từ nhiều chục năm trước. Sở TNMT và UBND TP Hà Nội cũng có văn bản thể hiện đây là thửa đất của “hộ gia đình”.

Nghề nghiệp chính của vợ chồng anh Quý là chăn nuôi lợn gà trên chính thửa đất này. 

Từ 2019, nhiều nhóm “anh chị” liên tục đến nhà đòi đuổi cả nhà anh Quý đi. Tìm hiểu, anh Quý được biết khu đất mình vẫn sinh sống ổn định đã bị chia tách thành 5 “sổ đỏ” khác nhau. 

“Sổ đỏ” cấp lần đầu năm 2017, do ông Nguyễn Kim Vinh, Phó chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm ký, cấp cho cá nhân bà Nguyễn Thị Sửu (mẹ đẻ anh Quý). Đáng chú ý là bà Sửu không sinh sống trên thửa đất Gò Mả Ôi ở thời điểm cấp sổ. Anh Quý sinh sống, chiếm hữu trên thửa đất này, lại không được biết. Thêm nữa, UBND TP Hà Nội chỉ đạo cấp “sổ đỏ” cho “hộ gia đình”, nhưng thực tế quận Bắc Từ Liêm lại chỉ cấp cho cá nhân bà Sửu.

screenshot20200721 170909kinemaster

Nhóm đối tượng “áp đáo tại gia”

Năm 2018, “sổ đỏ” trên được Phó giám đốc Sở TNMT Hà Nội là ông Nguyễn Hữu Nghĩa tách thành 5 “sổ đỏ” khác. Lúc này, gia đình anh Quý vẫn sinh sống ổn định trên thửa đất mà trên giấy tờ đã bị tách thành 5 “sổ đỏ”. Anh Quý không hề biết. 

Anh Quý chỉ biết chuyện khi các nhóm “anh chị” kéo đến nhiều, mà cầm đầu là một tay anh chị tự xưng là “cán bộ tài nguyên môi trường”, một kẻ khác tự xưng là “luật sư” đóng vai trò “quân sư”. 

Để xoa dịu, một nhân vật mà tài liệu thể hiện là Trần Văn Phát đã tiến hành gặp và “hỗ trợ” gia đình anh Quý 200 triệu đồng.

Ban đầu, anh Quý do không được học hành, chỉ thuần túy chăn nuôi lợn gà, hiểu biết pháp luật hạn chế, nên đồng ý với ông Trần Văn Phát. Nhưng sau đó, anh Quý tìm hiểu và biết được việc cấp “sổ đỏ” có dấu hiệu trái luật, cũng như biết quyền lợi mình được hưởng trong khu đất có trị giá nhiều chục tỷ đồng, nên đã thông báo tới cơ quan chức năng cũng như ông Phát để trả lại tiền, cũng như đề phòng bị hãm hại cho “vào bẫy” của ông Phát.

screenshot20200721 170756kinemaster

Nhóm đối tượng liên tục có những hành vi khiến gia đình anh Quý hoảng sợ.

Không “qua mặt” được anh Quý, thay vì nhờ tòa án nhân dân phân xử, ông Phát và “quân sư” của mình kéo theo dân “anh chị” nhiều lần xâm phạm chỗ ở của anh Quý. Hành vi huỷ hoại tài sản công dân cũng đã xảy ra.

Đỉnh điểm, ngày 11 và 12-7-2020, lợi dụng ngày nghỉ cuối tuần, các đối tượng kéo theo máy xúc, xe tải, tiến hành xâm phạm trái phép chỗ ở nhà anh Quý và huỷ hoại tài sản, đồng thời tập kết một chiếc “công te nơ” để cho một số dân “anh chị” ở, cùng 2 con chó dữ luôn túc trực. Phát và Hùng, người tự xưng là luật sư, cũng có mặt ở hiện trường.

Trước tính chất manh động của các đối tượng, CA quận Bắc Từ Liêm và CA phường Đông Ngạc đã tổ chức lực lượng vây bắt, đưa người và phương tiện vi phạm về trụ sở công an để xử lý.

screenshot20200721 170934kinemaster

Hàng rào, cửa sắt, cây cối nhà anh Quý đều bị hủy hoại.

screenshot20200721 172307kinemaster
Thậm chí một phần sân, lối đi nhà anh Quý cũng bị nhóm đối tượng phá hủy.

Theo thống kê của gia đình anh Quý, thiệt hại ban đầu ước tính vài chục triệu đồng, gồm: 48m hàng rào bị phá, 12 tấm ngói bờ rô xi măng, 1 bộ cổng rộng 5m, một căn nhà 12m2, 2 cây cau vua, 3 cây nhãn, một số cây bưởi, xoài cũng bị đốn gãy, vài chục con ngan, gà bị chết hoặc mất. Ngoài ra còn bị múc trộm khoảng gần 20 tấn đất trong vườn mang đi.

Khoản 1, Điều 178 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” thì: 

Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng nếu “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” thì có thể bị phạt cao nhất đến 3 năm tù giam.

Khoản 2, Điều 178 cũng quy định rõ: Nếu phạm tội thuộc trường hợp “có tổ chức” thì có thể bị phạt từ 2 đến 7 năm tù giam. 

Khoản 5, Điều 178 còn nêu rõ: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tức là, nếu CQĐT làm rõ được vai trò chủ mưu, cũng như tính chất có tổ chức, thì chắc chắn sẽ có “cái kết buồn” với nhiều người. 

Một chi tiết đáng quan tâm trong vụ việc này, là người đứng sau, đóng vai trò “quân sư” cho nhóm “anh chị”, lại tự xưng là một “luật sư”, tỏ ra thích kiện cáo, dù bản thân còn hiểu biết pháp luật hạn chế. 

Một luật sư, luật gia chân chính, khá nổi tiếng trong ngành luật, có mối quan hệ gần gũi với PV, tâm sự rằng: “Tất cả giới luật sư chân chính đều thượng tôn pháp luật, đều bảo vệ và tư vấn cho thân chủ mình làm đúng các quy định pháp luật. Nếu biết việc làm sai mà không giải đáp, ngăn chặn, vẫn để thân chủ của mình thực hiện hành vi sai trái, thì luật sư đó thiếu cả tâm và tầm”.

Còn tiếp...

Cao Thạch Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/bai-4-du-can-cu-khoi-to-vu-an-hinh-su--p1813.html