Theo thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, sản phẩm An Trĩ Vương được sản xuất bởi Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia, có địa chỉ đăng ký tại 116 phố Trần Bình, khu tập thể Viện 19/8, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Trụ sở văn phòng giao dịch tại số 9 đường Nguyễn Hoàng, Phú Mỹ, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Sản phẩm An Trĩ Vương được sản xuất bởi Công ty Cổ phần dược phẩm Vinh Gia |
Truy cập vào các trang mạng xã hội sẽ nhận thấy các clip và hình ảnh, thông tin quảng cáo sản phẩm An Trĩ Vương như một loại thuốc đặc trị, có thể chữa dứt điểm bệnh trĩ và thu hút rất nhiều khách hàng.
Tại trang mạng facebook có tên "An Trĩ Vương - Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ, táo bón" có hơn 14000 ngàn lượt người theo dõi, trên trang này đăng tải khá nhiều clip có logo kênh VTV2 và hình ảnh của một số y bác sĩ.
Trên trang này đăng tải khá nhiều clip có logo kênh VTV2 và hình ảnh của một số y bác sĩ |
Điều đáng nói, ở các clip này đều ghi "đặt câu hỏi bác sĩ tư vấn" hoặc ghép trực tiếp vào clip "để lại số điện thoại dưới phần nhận xét để được tư vấn miễn phí".
Liên hệ số điện thoại 0899648998, một phụ nữ xưng tên Hải, là bác sĩ tư vấn về bệnh trĩ, báo giá liệu trình dùng 1,8 triệu đồng/tháng. Người này cho biết: "Viên uống An Trĩ Vương được Bộ kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ Y tế kiểm nghiệm và cấp phép điều hành trên thị trường Việt Nam đã trên 11 năm nay. Và sản phẩm cũng đang được điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam. Viên An Trĩ Vương này chúng tôi chỉ tư vấn trực tiếp cho khách hàng, tư vấn qua điện thoại".
Sản phẩm khác là thực phẩm chức năng Hạ Khang Đường cũng đang được quảng cáo sai sự thật. Theo quảng cáo, Hạ Khang Đường do Cty TNHH thương mại SBG, có địa chỉ tại số 78 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội độc quyền sở hữu và phân phối sản phẩm, được sản xuất tại nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Quốc tế Thăng Long, Hà Nội.
Thực phẩm chức năng Hạ Khang Đường cũng đang được quảng cáo sai sự thật |
Được biết, tháng 8/2019 và tháng 7/2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hạ Khang Đường tại một số trang web.
Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện quảng cáo gây hiểu lầm của sản phẩm này vẫn diễn ra tràn lan trên các trang mạng xã hội.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng khuyến cáo người tiêu dùng không mua các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hạ Khang Đường tại một số trang web |
Theo Nghị định 158/2013: Hành vi quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Nghị định 158/2013 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và quảng cáo |
Quảng cáo sai sự thật để lừa người bệnh là thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật. Việc người bệnh tin quảng cáo mà mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng thì cũng như đưa “thuốc độc” vào người, nên mỗi người bệnh cần có sự cẩn trọng khi mua thực phẩm chức năng.
Cao Thạch Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/canh-giac-chieu-tro-ban-tpcn-can-than-mat-ngot-boc-thuoc-doc-p1871.html