Năm 2019, một doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính ở Đắk Lắk bị một nhóm doanh nghiệp gas núp bóng một hiệp hội gas bất hợp pháp, cấu kết với một số cán bộ có trách nhiệm nhưng thoái hoá, biến chất tổ chức “đánh” hội đồng, vì không chấp nhận tham gia tổ chức này. Từ lời kêu cứu của doanh nghiệp, Truyền hình Người đưa tin pháp luật đã nghiên cứu, xác minh và đăng tải loạt bài về hiệp hội gas Đắk Lắk – một tổ chức bất hợp pháp, có bóng dáng một ổ nhóm tội phạm.
Trong danh sách của “hiệp hội ma”, có cái tên Thanh Minh Ban Mê.Truyền hình Người đưa tin cũng vạch rõ, kẻ cầm đầu của tổ chức bất hợp pháp này là một gã trùm trong ngành gas, mang danh Hiệp “lác”. Hiệp “lác” đứng sau chỉ đạo, thao túng lĩnh vực gas ở nhiều địa bàn, trong đó có Đắk Lắk.
Sau loạt bài của Truyền hình Người đưa tin, dư luận địa phương bất bình, lên án, các cơ quan chức năng vào cuộc và hiệp hội gas bất hợp pháp đã phải “chết” khi mới hoành hành được một thời gian ngắn. Thế nhưng, “bóng ma” của Hiệp “lác” vẫn tồn tại ở Đắk Lắk. Và đương nhiên Truyền hình Người đưa tin chưa bao giờ giảm sự quan tâm tới nhân vật này, đặc biệt là mối liên hệ giữa Hiệp “lác” và Thanh Minh Ban Mê.
Quay lại vấn đề năm 2020, PV nhận được thông tin từ hãng gas Total, tố một đơn vị làm giả sản phẩm của hãng này để đưa ra thị trường. Sau một thời gian nghiên cứu, xác minh, Truyền hình Người đưa tin đăng tải loạt bài về một đường dây nghi sản xuất, buôn bán hàng giả thương hiệu của hãng gas Total.
Sau khi báo chí phản ánh, dù chưa chỉ đích danh, nhưng “có tật giật mình”, Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê đã có đơn thư kiến nghị đến các cơ quan quản lý báo chí và nhiều cơ quan chức năng khác, với nội dung thiếu trung thực, “lập lờ đánh lận con đen” để vu khống Truyền hình Người đưa tin thông tin sai sự thật, rồi yêu cầu xử lý PV và cơ quan báo chí, yêu cầu gỡ bài và bồi thường thiệt hại.
Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê đã có đơn thư kiến nghị đến các cơ quan quản lý báo chí và nhiều cơ quan chức năng khác, với nội dung thiếu trung thực, “lập lờ đánh lận con đen” để vu khống Truyền hình Người đưa tin thông tin sai sự thật, rồi yêu cầu xử lý PV và cơ quan báo chí, yêu cầu gỡ bài và bồi thường thiệt hại |
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin công khai trả lời những kiến nghị của Cty này, để bạn đọc có sự đánh giá khách quan nhất. Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê cho rằng cơ quan báo chí sử dụng hình ảnh của
Cty mà chưa được sự đồng ý: Việc này, PV thực hiện đúng quy định theo Luật báo chí. Tất cả các cảnh quay đều ở ngoài đường, nơi công cộng, hoặc cảnh cơ quan chức năng thi hành công vụ, không có cảnh quay trụ sở Cty. Nếu Cty không muốn bị quay phim, chụp ảnh ngoài đường phố, thì cách duy nhất là từ nay... đừng ra đường.
Cty cho rằng đoàn liên ngành 389 cuả tỉnh Đắk Lắk đã đến Cty ở TP Buôn Mê Thuột kiểm tra và xử phạt một hành vi không liên quan đến hàng giả, hàng nhái: Việc này chúng tôi không quan tâm. Bởi việc chúng tôi đề cập là lô hàng giả ở cửa hàng Vân Sơn có địa chỉ ở Krông Năng, được chở đến bởi một chiếc ô tô có chữ Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê ở thùng xe.
Cty cho rằng "bán hàng chất lượng, xuất xứ rõ ràng, không bán gas lậu, gas giả" |
Nực cười ở chỗ, ngày 10-8-2020, ông Mã Duy Long, giám đốc Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê “thanh minh” trong đơn gửi đến Bộ Thông tin truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương rằng Cty mình rất uy tín và trung thực, bán hàng chất lượng, xuất xứ rõ ràng, không bán gas lậu, gas giả, thì ngày 1/9/2020, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 có Thông báo kết quả giám định. Căn cứ theo kết quả giám định này, ngày 11/9/2020, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk) ra Thông báo số 01/TB-Đ4 về việc “xử lý vụ việc kinh doanh gas giả” do Phó đội trưởng Cù Ngọc Hải ký. Theo đó, đơn vị này xử phạt cửa hàng kinh doanh gas Vân Sơn hành vi “Buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hoá” và tịch thu lô hàng đã thu giữ trước đó.
Cơ quan chức năng đã xử lý hành vi buôn bán gas giả |
Theo hoá đơn giá trị gia tăng Đội QLTT cung cấp cho PV, cũng như theo lời khai của chủ cửa hàng gas Vân Sơn, thì đơn vị cung cấp lô hàng giả trên là Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê. Lực lượng QLTT đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Và tiếp theo, đơn vị này cần chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra, để phía cảnh sát điều tra, làm rõ lô hàng giả mà Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê cung cấp ra thị trường có nguồn gốc từ đâu và được làm giả như thế nào? Khi có dấu hiệu tội phạm, cần khởi tố vụ án để làm gương, răn đe, sẽ là biện pháp hiệu quả ngăn chặn loại tội phạm buôn bán hàng giả, hàng nhái, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, người dân được sử dụng các sản phẩm an toàn, chất lượng.
|
||
Mối quan hệ giữa Hiệp “lác” với Thanh Minh Ban Mê trong “Hiệp hội ma”trước kia thì rất rõ ràng. Còn giữa Hiệp “lác” và Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê của ông Ma Duy Long có quan hệ gì, thì chưa có tài liệu để xác thực. Nhưng khi loạt bài về hàng giả vừa qua có liên quan Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê đăng tải, thì Hiệp “lác” có động thái “đánh tiếng”.
Trở lại việc doanh nghiệp đơn thư kiến nghị lên các cơ quan trung ương, với thông tin sai sự thật nhằm mục đích rất rõ ràng, là gây sức ép để gỡ các bài báo và mang tính đe doạ PV, cản trở việc tiếp tục tác nghiệp. Nhưng việc kết luận, xử lý vụ việc của cơ quan chức năng đã thể hiện: Truyền hình Người đưa tin phản ánh đúng, khách quan, trung thực. Ý đồ của doanh nghiệp coi như phá sản khi sự thật được phơi bày.
Sẽ hơi quá nếu nói tình huống này là “ếch chết tại miệng”, nhưng cũng không ngoa khi nói Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê “vừa ăn cắp vừa la làng”.
Cao Thạch Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/duong-day-san-xuat-buon-ban-gas-gia-o-dak-lak-bai-3-truyen-hinh-nguoi-dua-tin-phan-anh-dung-p1890.html