Hòa Bình: Doanh nghiệp "cầm đèn chạy trước ô tô" gây ảnh hưởng môi trường

Dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động theo quy định, nhưng một doanh nghiệp đã ngang nhiên tổ chức sản xuất gạch với quy mô lớn, ở xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, gây ô nhiễm môi trường và khiến người dân rất bức xúc vì sự coi thường pháp luật của đơn vị này.

Đó là Cty TNHH Tiến Phương (Cty Tiến Phương), có địa chỉ đăng ký tại xóm Tân Tiến, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. 

Theo tìm hiểu được biết, Cty Tiến Phương được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép khai thác mỏ đá ở xã Mai Hịch, huyện Mai Châu. Từ năm 2019, đơn vị này đã tự ý mở xưởng sản xuất gạch không nung tại mỏ đá này và bán ra thị trường.

Thời điểm PV tác nghiệp tại bãi tập kết của đơn vị này có hàng vạn viên gạch đang chờ vận chuyển bán cho khách. 

Ông Hà Công Linh, cán bộ địa chính xã Mai Hịch cho biết: "Đơn vị này sản xuất gạch nhưng chưa được cấp phép, mới tuần trước chúng tôi đi đo đất để làm hồ sơ cho cty thuê đất làm bãi chứa gạch".

Từ năm 2019, đơn vị này đã tự ý mở xưởng sản xuất gạch không nung tại mỏ đá trên.

Ông Khà Văn Thảnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Châu cho biết: "Khu mỏ này của Cty Tiến Phương được UBND tỉnh cấp phép hoạt động, nhưng việc sản xuất ép gạch thì không có giấy phép, tuy nhiên vì bận nhiều công việc nên chúng tôi cũng chưa đi kiểm tra được". 

Ông Đặng Thanh Hòa, Giám đốc Cty Tiến Phương, cho biết: "Cty đang xin chủ trương của UBND huyện để làm thủ tục xin giấy phép sản xuất gạch theo quy định, còn số gạch chúng tôi sản xuất chỉ là chạy thử máy". 

Tuy nhiên, trên thực tế, dù chưa được cấp phép hoạt động sản xuất gạch, nhưng suốt thời gian dài, đơn vị này đã sản xuất hàng loạt lô gạch bán ra thị trường. 

Dù chưa được cấp phép hoạt động sản xuất gạch, nhưng suốt thời gian dài, đơn vị này đã sản xuất hàng loạt lô gạch bán ra thị trường. 

Theo quy định của pháp luật, điều kiện để sản xuất gạch không nung phải làm thủ tục đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường với UBND huyện. Về hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Khoản 2, Điều 33, Thông tư 27/2015/TT-BTNMT như sau:

"Một (01) báo cáo đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của chủ dự án.

Ba (03) bản kế hoạch bảo vệ môi trường với yêu cầu về cấu trúc và nội dung theo mẫu quy định tại Phụ lục 5.6  Thông tư 27/2015/TT-BTNMT."

Điều đáng nói, các cơ quan chức năng sở tại lại có "dấu hiệu" buông lỏng quản lý cho các hoạt động sản xuất trái phép này, khiến cho nhà nước bị thất thu tiền thuế rất lớn, môi trường thì bị ô nhiễm, người dân thì rất bức xúc với những việc làm coi thường pháp luật này. 

Đề nghị Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng này, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, tránh gây bức xúc trong nhân dân. 

Cao Thạch Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/hoa-binh-doanh-nghiep-cam-den-chay-truoc-o-to-gay-anh-huong-moi-truong-p2019.html