Cụ thể, tại thời điểm gia đình ông Nam xây nhà, thì ở đoạn điểm nối đường ĐH 63 và Quốc lộ 15, thị trấn Mai Châu, cũng có một số công trình xây dựng, như nhà nghỉ Trường Huy, nhà nghỉ Hồng Nhung.
Ông Nam bức xúc: "Nếu huyện và xã cho rằng công trình nhà tôi vi phạm hành lang giao thông nên đã cưỡng chế đập bỏ, thì tại sao hàng loạt công trình khác cũng xây dựng như nhà tôi lại không bị cưỡng chế, phải chăng lãnh đạo huyện cưỡng chế công trình nhà tôi là có mục đích gì khác?".
Giải thích về việc xử lý cưỡng chế theo kiểu "nhất bên trọng, nhất bên khinh", ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng KTHT huyện Mai Châu cho rằng, công trình ở đầu đường ĐH 63 xây dựng trước công trình nhà ông Nam, và trước thời điểm có quy hoạch. Ông Nam khẳng định các công trình này xây dựng cùng thời điểm năm 2019 với nhà mình.
Về việc vi phạm hành lang giao thông, ông Dũng không đưa ra được bản quy hoạch hàng lang tuyến đường ĐH 63. Vị trưởng phòng còn cho rằng, công trình trước kia của nhà ông Nam chỉ là căn nhà tre, thuộc diện nhà tạm, nên ông Nam phá đi để xây công trình kiên cố là vi phạm hành lang. Tuy nhiên, trên thực tế, căn nhà cũ khi ông Nam mua đã là nhà xây cấp 4 kiên cố.
Nếu công trình xây dựng có sai phạm, thì việc cưỡng chế là cần thiết. Nhưng các cơ quan chức năng phải đưa ra các căn cứ thuyết phục, để người dân thấy việc kết luận sai phạm là đúng hay sai, từ đó mới tâm phục khẩu phục. Trong vụ việc này, nếu công trình của ông Nam có sai phạm, cũng đồng nghĩa các công trình xây dựng cùng thời điểm, cùng tuyến đường cũng phải được cưỡng chế đồng thời, đảm bảo công bằng.
Ngược lại, việc cưỡng chế thiếu sự công bằng và minh bạch, mạnh tay với người này nhưng bỏ qua người kia, sẽ khiến người dân bất bình và phản ứng một cách tiêu cực, gây kiện cáo kéo dài, mất ổn định an ninh chính trị tại địa phương.
Thêm nữa, nếu thực sự có vi phạm thì UBND huyện Mai Châu cần quyết liệt ngay từ lúc xây móng, tránh thiệt hại tiền tỉ cho người dân khi cưỡng chế công trình đã hoàn thiện phần thô. Thiệt hại của cá nhân ông Nam cũng là thiệt hại của xã hội.
Trong quá trình xử lý công trình nhà ông Nam, ông Đặng Mai Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu còn có những việc làm khó hiểu trong khi thi hành công vụ, như việc gọi ông Nam lên gặp riêng, để hướng dẫn ký vào biên bản đồng ý đổi đất, trong khi huyện chưa bố trí được đất cho gia đình ông Nam là không khách quan, không minh bạch.
Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Văn phòng Luật sư Hải Chi, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: "Việc ra quyết định cưỡng chế công trình với lý do vi phạm hành lang giao thông, nhưng không chỉ được ra mốc giới hành lang là chỗ nào, không công bố quy hoạch hành lang an toàn giao thông như quyết định đã nêu".
Trong một diễn biến khác, vào tháng 2/2020, ông Lò Văn Dũng, nguyên Chủ tịch UBND xã Nà Phòn thừa nhận việc làm thủ tục để làm căn cứ pháp lý cưỡng chế công trình nhà ông Nam là do lãnh đạo huyện chỉ đạo xã phải làm.
Thiết nghĩ, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cần sớm vào cuộc kiểm tra xử lý dứt điểm, những khúc mắc trong vụ việc cưỡng chế công trình trên, tránh gây bức xúc trong nhân dân.
Lê Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/vu-cuong-che-o-mai-chau-hoa-binh-nhat-ben-trong-nhat-ben-khinh-p2032.html