Vi phạm về đất đai, khoáng sản ở Tuyên Quang: (Bài 3) Ông Thơ thờ ơ đến bao giờ?

Một doanh nghiệp bị xử phạt, đình chỉ hoạt động để khắc phục những tồn tại nhưng vẫn bất chấp lệnh cấm để nổ mìn phá đá khiến dư luận rất bức xúc. Khi đất, đá bay vào khu dân cư, uy hiếp tính mạng người dân thì cả UBND xã và UBND huyện tỏ ra thờ ơ để người dân phải tự tìm cách đàm phán với doanh nghiệp. Ông Thơ là chủ tịch huyện!

 

Phạt tiền, đình chỉ, buộc khắc phục hậu quả

Công ty Cổ phần đường bộ 232 (gọi tắt là Cty 232) có địa chỉ tại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Quá trình nổ mìn khai thác đá đã không tuân thủ các quy định pháp luật, không đảm bảo các yếu tố an toàn gây chấn động mạnh khiến nhiều nhà dân bị rạn nứt, đất đá bay vào khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống, uy hiếp tính mạng người dân.

Ngày 13/10, trao đổi với PV, ông Nguyễn Trường Lâm, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau khi Truyền hình Người đưa tin pháp luật có bài viết phản ánh, ngày 22/6 Thanh tra Sở TNMT đã tiến hành kiểm tra thực địa mỏ đá của Cty 232.

Mỏ khai thác đá của Công ty Cổ phần đường bộ 232
Mỏ khai thác đá của Công ty Cổ phần đường bộ 232

Ngày 24/6, Thanh tra Sở TNMT đã ban hành Quyết định số 09 xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực khoáng sản và đất đai đối với Cty 232 số tiền 74.000.000đ (trong đó 60.000.000đ là vi phạm về hành vi vi phạm lĩnh vực khoáng sản, 14.000.000đ vi phạm về lĩnh vực đất đai).

Quyết định nêu rõ: Công ty khai thác không đúng theo thiết kế, không tiến hành mở đường lên đỉnh bạt ngọn, tạo vách đứng cao 35 đến 40m, dốc taluy lớn trên 70 độ có hiện tượng chập tầng, có đá treo gây mất an toàn quy định tại điều 38, nghị định 36/2020 của chính phủ.

Ngoài ra, Cty 232 được nhà nước cho thuê đất nhưng lại tự ý cho Công ty Cổ phần công nghiệp Tân Hà thuê lại 4.000m2 đất để xây dựng trạm trộn bê tông tươi và sản phẩm bê tông đúc sẵn trái phép, vi phạm Điều 175 Luật Đất đai, vi phạm điều 19, Nghị định 91/2019 của Chính phủ.

Biện pháp khắc phục: Buộc phải khai thác đúng phương pháp khai thác quy định trong giấy phép, đúng trình tự, đúng hệ thống, đúng thông số. Cty 232 buộc phải dừng cho Công ty Cổ phần công nghiệp Tân Hà thuê đất.

Vị Chánh thanh tra cho biết thêm ngoài quyết định xử phạt ra, sở còn có văn bản về việc tạm đình chỉ hoạt động 90 ngày đối với Cty 232 để khắc phục những tồn tại.

Thanh tra Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang ra quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực khoáng sản và đất đai đối với Cty 232
Thanh tra Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang ra quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực khoáng sản và đất đai đối với Cty 232

Xã, huyện thờ ơ

Quá trình nghiên cứu, PV nhận thấy vai trò, trách nhiệm của ông Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Thái Sơn và ông Đinh Công Thơ, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên trong quản lý môi trường, đất đai là rất mờ nhạt, cụ thể:

Thứ nhất, Cty 232 khai thác không đúng theo thiết kế, không đảm bảo an toàn, quá trình nghiền, sàng lọc đá cũng không dập bụi khiến bụi bay vào khu dân cư.

Thứ hai, Cty 232 tự ý cho Công ty Cổ phần công nghiệp Tân Hà thuê 4.000m2 đất để xây dựng trạm trộn bê tông tươi, nhà xưởng sản xuất bê tông đúc sẵn trái phép. Trạm trộn bê tông tập kết nhiều cát sỏi, hoạt động rầm rộ, nước và chất thải đổ trực tiếp ra môi trường.

ty 232 tự ý cho Công ty Cổ phần công nghiệp Tân Hà thuê 4.000m2 đất để xây dựng nhà xưởng, trạm trộn bê tông tươi
Công ty 232 tự ý cho Công ty Cổ phần công nghiệp Tân Hà thuê 4.000m2 đất để xây dựng nhà xưởng, trạm trộn bê tông tươi

Thứ ba, mỏ đá của Cty 232 cách UBND xã Thái Sơn chừng vài trăm mét, dù đang bị đình chỉ nhưng các công nhân vẫn tiến hành nổ mìn phá đá một cách rầm rộ. Công nhân vân vô tư hút thuốc lá khi đang nhồi hàng chục kg thuốc nổ.

Thứ tư, nhiều nhà dân sống quanh khu vực mỏ đá có hiện tượng bị rạn nứt, hư hỏng nhưng chưa được xem xét, làm rõ. Khi nổ mìn phá đá, Cty 232 làm hàng chục tấn đá lăn từ đỉnh núi xuống khu vực dân cư, người dân gửi đơn lên UBND xã cầu cứu, cả xã, huyện đều biết nhưng chọn cách im lặng, để người dân phải tự đàm phán với doanh nghiệp.

Để tìm hiểu về công tác quản lý cũng như trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi để xảy ra nhiều sai phạm, PV đã liên hệ với UBND xã Thái Sơn và UBND huyện Hàm Yên, cả hai cơ quan này nhiều lần hứa hẹn sẽ cung cấp thông tin nhưng rồi tìm cách né tránh.

Liên hệ qua điện thoại, ông Đinh Công Thơ, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên thẳng thắn từ chối làm việc và cho biết UBND huyện không có hồ sơ, không có tài liệu gì. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý địa bàn, quản lý doanh nghiệp nhưng không có hồ sơ tài liệu thì UBND huyện quản lý như thế nào? vấn đề này ông Thơ không trả lời được.

Nhiều lần PV liên hệ làm việc với ông Đinh Công Thơ, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, nhưng không được hồi đáp
Nhiều lần PV liên hệ làm việc với ông Đinh Công Thơ, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, nhưng không được hồi đáp

Việc doanh nghiệp bất chấp quy định pháp luật để kinh doanh, xem nhẹ quyết định của UBND tỉnh và của Sở TNMT có thể chỉ vì lợi nhuận. Thế nhưng cả UBND xã Thái Sơn và UBND huyện Hàm Yên là cơ quan trực tiếp quản lý nhưng lại dễ dàng bỏ qua các vi phạm của doanh nghiệp suốt một thời gian dài thì thật khó hiểu.

Để xảy ra những vi phạm trên, cả Chủ tịch UBND xã Thái Sơn là ông Bùi Mạnh Hùng và Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên là ông Đinh Công Thơ đều có vai trò, trách nhiệm quản lý liên quan, cả hai vị này cần phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định, cũng như phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, dư luận.

Truyền hình Người đưa tin pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Kim Thoa

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/vi-pham-ve-dat-dai-khoang-san-o-tuyen-quang-bai-3-ong-tho-tho-o-den-bao-gio-p2068.html