Nghị định 119/2020/NĐ-CP ban hành ngày 07/10/2020 thay thế Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Theo đó, Điều 7 tại Nghị định này quy định về hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp;
b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;
b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
Cùng với đó, Điều 9 của Nghị định này đề cập tới hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân;
b) Không thực hiện cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại khoản 1, điều 38 Luật Báo chí
c) Thực hiện không đúng quy định về thời hạn thông báo hoặc thời hạn đăng, phát, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo hoặc có yêu cầu.
Khoản 1 điều 38 Luật Báo chí 2016 quy định: Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/tu-1-12-phat-toi-60-trieu-dong-doi-voi-cac-hanh-vi-can-tro-trai-phap-luat-hoat-dong-bao-chi-p2113.html