“Đến khi tôi chết liệu có giải quyết được không các ông?”

Trong những năm gần đây, việc thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án phát triển kinh tế xã hội ở Hà Nội luôn được nhân dân đồng tình ủng hộ nên đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, công tác đền bù giải phóng mặt bằng vẫn còn những tồn tại, gây bức xúc trong nhân dân. Các cơ quan thực thi pháp luật khi giải quyết đơn thư khiếu nại, khiếu kiện còn có những trường hợp chưa đúng, chưa kịp thời dẫn đến đơn thư vượt cấp, làm giảm lòng tin của nhân dân.

 

Trường hợp cụ Nguyễn Thị Chít, hộ khẩu thường trú tại tổ dân phố Nguyên Xá 2, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội có đơn thư kiến nghị đến nhiều cấp về nội dung Tòa án nhân dân TP Hà Nội chậm đưa vụ án hành chính ra xét xử theo đơn khởi kiện của cụ.

PV Truyền hình Người đưa tin đã nghiên cứu, tìm hiểu hồ sơ và thấy nhiều vấn đề.

Cụ Nguyễn Thị Chít là vợ liệt sĩ, là con dâu của Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước.

Năm 2010, UBND quận Bắc Từ Liêm triển khai kế hoạch giải phóng mặt bằng để mở rộng đường 32, gia đình cụ Chít bị mất toàn bộ 80m2 đất thổ cư do bố mẹ chồng cụ để lại. Gia đình cụ Chít là một trong những gia đình ủng hộ đầu tiên và tạo điều kiện cho cán bộ của huyện và xã đo đạc kiểm đếm tài sản, sau đó nhận tiền đền bù, nhận đất tái định cư theo quy định. 

Trong phương án đền bù giải phóng mặt bằng, gia đình cụ được đền bù 1.105.964.804 đồng, nhưng phải nộp 520.000.000 đồng tiền sử dụng đất để nhận đất tái định cư ở nơi ở mới. Gia đình cụ đã sử dụng ổn định khu đất này từ khi được bàn giao mốc giới ngày 24/11/2010.

Cụ Nguyễn Thị Chít là vợ liệt sĩ, là con dâu của Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tuy nhiên, đến năm 2015 thì gia đình cụ nhận được Quyết định số 4219/QĐ – UBND ngày 8/10/2015 của quận Bắc Từ Liêm về việc phê duyệt phương án thu bổ sung tiền sử dụng đất tái định cư. Tại phương án này, gia đình cụ phải nộp thêm 416.000.000 đ.

Quá bức xúc với việc làm của UBND quận Bắc Từ Liêm, ngày 6/10 cụ Chít đã gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính đến Tòa án nhân dân TP Hà Nội để khởi kiện Quyết định số 4219 của UBND quận Bắc Từ Liêm. Đến 12/1/2017, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội mới có thụ lý vụ án số 83/HCST. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Tòa án nhân dân TP Hà Nội vẫn chưa mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử vụ án.

Cụ Nguyễn Thị Chít cho biết: "Năm 2015, UBND quận Bắc Từ Liêm có Quyết định số 4219, yêu cầu tôi phải nộp thêm 416.000.000 đồng mới được cấp sổ đỏ. Tôi không đồng ý việc làm này của quận UBND Bắc Từ Liêm. Đến 2016 tôi đã gửi đơn kiện lên TAND TP Hà Nội, nay là 4 năm rồi, TAND TP Hà Nội cứ hứa hẹn rồi không giải quyết cho tôi. Đất nhà tôi bây giờ bị bỏ không, không xây được nhà".

Quá bức xúc với việc làm của UBND quận Bắc Từ Liêm, cụ Chít đã gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính đến Tòa án nhân dân TP Hà Nội để khởi kiện Quyết định số 4219 của UBND quận Bắc Từ Liêm

Vốn đã thiệt thòi, cuộc sống gia đình xáo trộn, khi bị thu hồi toàn bộ thửa đất, nay bà cụ còn phải gánh thêm khoản nợ đeo đẳng trên vai khi tuổi già sức yếu.

Khi gặp chúng tôi cụ cứ luôn miệng nói “Có giải quyết được không các ông, đến khi tôi chết liệu có giải quyết được không các ông?” Những lời nói của người vợ liệt sĩ  đã 85 tuổi, gần đất xa trời với nỗi lo khi nhắm mắt, xuôi tay vẫn còn mang theo khoản nợ không có cách nào trả nổi.

Cụ Chít chỉ còn biết trông chờ vào công lý, nhưng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội dường như đang coi thường pháp luật, cố tình chậm trễ đưa vụ án hành chính do cụ Chít làm nguyên đơn ra xét xử, mặc dù đã thụ lý vụ án được gần 4 năm.

Mặc dù đã tiếp nhận đơn kiện của cụ Chít vào năm 2016, nhưng đến nay TAND TP Hà Nội vẫn "ngâm án" của cụ

Qua nghiên cứu Luật Tố tụng hành chính 2015 thấy rằng: Theo điều 130, quá trình chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp đó là quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần nhưng không quá 02 tháng.

Theo điều 149: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Như vậy, đối với vụ kiện hành chính của gia đình cụ Chít là vụ việc không phức tạp nên từ khi thụ lý vụ án là không quá 5 tháng thì phải đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Nhưng đã 4 năm mong mỏi, vụ án của cụ vẫn nằm trong im lặng. Mặc dù trong thời gian 4 năm chờ đợi gia đình cụ Chít đã nhiều lần làm đơn gửi Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, gửi đến lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo TP Hà Nội.

Việc “ngâm án” của Toà án nhân dân TP Hà Nội là một biểu hiện của việc coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật tố tụng hành chính. Nhiều người dân quan tâm đến vụ án này đang đặt dấu hỏi, có hay không sự bao che của Toà án nhân dân TP Hà Nội đối với UBND quận Bắc Từ Liêm, cơ quan đã ban hành Quyết định 4219/QĐ – UBND. 

Việc “ngâm án” của Toà án nhân dân TP Hà Nội là một biểu hiện của việc coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật tố tụng hành chính

Trách nhiệm đối với gia đình người có công của Toà án nhân dân TP Hà Nội là rất kém khi để cụ Chít vợ liệt sĩ phải có đơn thư khiếu nại kéo dài, không được giải quyết.

Đề nghị Toà án nhân dân tối cao, Thành uỷ TP Hà Nội xem xét chỉ đạo các ngành kiểm tra làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Tòa án nhân dân TP Hà Nội, chỉ đạo sớm đưa vụ án ra xét xử.

Truyền hình Người đưa tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Cao Thạch Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/den-khi-toi-chet-lieu-co-giai-quyet-duoc-khong-cac-ong-p2122.html