Cụ thể: Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về một đường dây buôn bán hàng giả trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, PV đã thu thập chứng cứ và chuyển lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk để tiến hành bắt quả tang.
Cần nói thêm là, năm 2019, “Hiệp hội gas bất hợp pháp” bị báo chí “vạch mặt”, âm mưu lũng đoạn thị trường gas Đắk Lắk của ông trùm “Hiệp lác” thất bại. “Hiệp lác” rời Đắk Lắk, nhưng giới gas rộ tin đồn gã để lại “vòi bạch tuộc” là một đệ tử thân tín tên Long.
Trở lại vụ việc trên, sau khi QLTT kiểm tra, thu giữ tang vật, Truyền hình Người đưa tin đăng tải 2 bài “Hé lộ đường dây sản xuất, buôn bán gas lậu ở Đắk Lắk” và “Lạy ông tôi ở bụi này”. Hai bài báo nêu tên đích danh cửa hàng gas Vân Sơn ở xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, Đắk Lắk và hé lộ vài tình tiết về một doanh nghiệp bán hàng giả, chứ chưa nêu đích danh đơn vị này.
Và “có tật giật mình”, ông Mã Duy Long, Giám đốc Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê đã có đơn khiếu nại lên Bộ Thông tin và Truyền thông với những nội dung bịa đặt, gian dối, hòng làm nhụt ý chí và cản trở nhóm PV Truyền hình Người đưa tin.
Oái oăm thay, đơn khiếu nại vừa gửi đi thì các cơ quan chức năng kết luận lô hàng Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê cung cấp cho cửa hàng gas Vân Sơn là hàng giả.
Truyền hình Người đưa tin tiếp tục đăng bài “Vừa ăn cắp vừa la làng” đề cập trực tiếp đến ông Giám đốc Mã Duy Long và Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê. Sau bài này thì ông Long không “la” nữa.
Phía Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk cũng có công văn hồi âm đến cơ quan báo chí sau khi PV liên hệ với UBND tỉnh Đắk Lắk. Nhưng nội dung trả lời lại lòng vòng, né tránh và có biểu hiện bao che cho hành vi phạm pháp.
Cụ thể, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk thông tin đã xử phạt hành chính cửa hàng gas Vân Sơn vì hành vi buôn bán hàng giả. Đơn vị này cũng khẳng định lô hàng giả này do Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê cung cấp cho cửa hàng gas Vân Sơn.
Như vậy, Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê là một “mắt xích” của đường dây buôn bán hàng giả nhưng Cty này không bị xử lý với hành vi liên quan. Cục QLTT cũng như Ban chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Lắk cũng không chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra mở rộng theo thẩm quyền.
Công văn do Phó Cục trưởng Trương Văn Nhương ký còn “lập lờ đánh lận con đen” khi thông tin rằng đã xử lý Cty TNHH Thanh Minh Ban Mê. Nhưng trên thực tế đây chỉ là các lỗi nhẹ và không liên quan đến hành vi buôn bán hàng giả.
Không hiểu căn cứ quy định pháp luật nào để QLTT tỉnh Đắk Lắk chỉ xử phạt bên mua hàng giả mà không xử bên bán hàng giả?
Về việc PV hỏi quan điểm của QLTT Đắk Lắk về xử lý đối với tang vật, cũng như hành chính hoá một vụ việc có dấu hiệu phạm pháp hình sự, có chuyển hồ sơ sang CQĐT hay không, thì công văn do ông Trương Văn Nhương ký không đề cập thẳng vào vấn đề.
Một vấn đề khác cũng rất lạ: Đó là, QLTT Đắk Lắk và các cơ quan chức năng đã kết luận tang vật là hàng giả, nhưng không làm rõ Cty Thanh Minh Ban Mê từ đâu mà có lô hàng này để xử lý. Ngược lại, đi yêu cầu bị hại là Cty TNHH Totalgas Việt Nam (đơn vị bị làm giả sản phẩm) phải tự chứng minh bị “giả mạo nhãn hiệu”.
Totalgas Việt Nam rơi vào thế bí trước yêu cầu vô lý. May thay, Trung tâm kỹ thuật đo lường 3 đã giám định và kết luận các màng co trên tang vật không phải do Totalgas Việt Nam sản xuất. Totalgas Việt Nam khẳng định điều này đồng nghĩa với hành vi “giả mạo nhãn hiệu”.
Vậy nhưng QLTT Đắk Lắk không nghĩ thế, vẫn tổ chức họp và kết luận chưa đủ căn cứ xử phạt hành chính về hành vi “giả mạo nhãn hiệu”.
Trước là hiệp hội gas bất hợp pháp, nay là đường dây buôn bán gas giả, sau này sẽ là gì?
Có lẽ, ngoài những “công to việc lớn”, ông Phạm Ngọc Nghị, chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cần có sự quan tâm hơn đến vấn đề QLTT ở địa phương.
Và để tránh xảy ra việc bỏ lọt tội phạm trong vụ này thì cần có sự “để mắt” của Đại tá Lê Văn Tuyến (Giám đốc CA tỉnh Đắk Lắk) và ông Lê Quang Tiến (Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk).
Cao Thạch Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/duong-day-san-xuat-buon-ban-hang-gia-o-dak-lak-bai-4-phat-ke-mua-chua-ke-ban-p2137.html