Hoài Đức, Hà Nội: Doanh nghiệp thi công kiểu huỷ hoại giá trị văn hoá, lịch sử

Nhiều người dân xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội bức xúc việc 5 xối đá cổ (dốc làm bằng bậc đá đi lên, xuống đê) có tuổi đời hàng trăm năm bị xâm hại nghiêm trọng.

 

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kết hợp giao thông trên địa bàn huyện Hoài Đức, do UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là liên danh Công ty CP Nhân Bình – Công ty TNHH Anh Huy – Công ty CP công trình giao thông 18 – Công ty CP xây dựng đô thị Hòa Phú.

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kết hợp giao thông trên địa bàn huyện Hoài Đức đang trong quá trình hoàn thành

Trong quá trình thi công, nhà thầu đã phá bỏ 5 dốc đá cổ thuộc xã Yên Sở để thay mới thành gạch bê tông không nung. 

Theo người dân địa phương, 5 dốc đá cổ Yên Sở đã có tuổi đời hàng trăm năm, gắn bó gần gũi với bao thế hệ con cháu. Những dốc đá còn là yếu tố tín ngưỡng của người dân nơi đây.

Cụ Nguyễn Thị Thạch, người dân sinh sống lâu năm tại xã Yên Sở cho biết: “Tôi năm nay hơn 90 tuổi, từ khi tôi về sống ở Yên Sở đến nay là 70 năm, những xối đá này có từ khi nào thì tôi cũng không biết, chỉ nghe các cụ hồi đó kể lại do không có đường lên đê nên các cụ trong làng góp sức nhau mang đá về để làm nên các bậc thang để tiện đi lại”.

Ông Nguyễn Trí Hào cho biết: “Hằng năm, vào dịp lễ hội, các xóm tổ chức lễ rước vật phẩm xuống lễ thành hoàng làng tướng quân Lý Phục Man tại Di tích lịch sử Quán Giá đều phải đi qua xối đá”.

Theo người dân, hàng năm đến dịp lễ rước vật phẩm xuống lễ thành hoàng làng tướng quân Lý Phục Man tại Di tích lịch sử Quán Giá đều phải đi qua xối đá
Những dốc đá mới thay cho xối đã cổ ở địa phương

Điều khiến người dân bức xúc là việc loại bỏ một công trình mang yếu tố lịch sử, tín ngưỡng dân gian mà người dân địa phương không được thông qua, đóng góp ý kiến.

Ông Nguyễn Trí Hào bức xúc: “Những xối đá cổ này gắn liền với chúng tôi từ thời thơ ấu, là một cái gì đó vô cùng gần gũi và quen thuộc. Việc duy tu, bảo dưỡng đường xá thì chúng tôi vô cùng đồng thuận, nhưng tại sao một dấu tích lâu đời, kiên cố của người dân lại phá bỏ, cái này chúng tôi không đồng ý. Phá đi, rồi bây giờ làm cái dốc thẳng đứng thế kia làm sao mà rước kiệu, đá trơ lởm chởm, chất lượng thì không biết vài năm không?

Bà Nguyễn Thị Hường, tiếc nuối chia sẻ: “Trước đi trên cái xối cũ cảm giác rất yên tâm và chắc chắn, giờ phá bỏ nó đi làm chúng tôi rất buồn và tiếc nuối. Bây giờ có làm lại cũng không còn được như trước

Người dân địa phương vô cùng tiếc nuối khi đập bỏ 5 xối đá cổ chắc chắn, mong muốn được giữ lại một di tích của địa phương

Sau khi được nhà thầu thi công phá bỏ, những viên đá cổ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, thay vì được bảo tồn thì bị vứt chỏng chơ vùi lấp trong đất đá cạnh Đình Quán Giá.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Trường Yên, Chủ tịch UBND xã Yên Sở cho biết: "Khi nhà thầu thì công phá bỏ xối đá, người dân có phản ánh lên UBND xã, chúng tôi đã ghi nhận và kiến nghị lên cơ quan chức năng cấp trên cũng như Ban Quản lý đầu tư của huyện, cần giữ lại một dốc lên đê để lát lại đá cũ nhằm bảo tồn xối đá cổ, và những khối đá còn lại sẽ cất giữ để tận dụng vào sửa chữa công trình di tích Quán Giá khi cần". 

Lãnh đạo UBND xã Yên Sở yêu cầu nhà thầu thi công giữ lại một dốc lên đê để lát lại đá cũ nhằm bảo tồn xối đá cổ

Được biết, một trong các đơn vị thi công của Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kết hợp giao thông là Công ty TNHH Anh Huy, một doanh nghiệp liên tục trúng thầu các gói xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Hoài Đức thời gian qua,

Truyền hình Người đưa tin pháp luật sẽ tiếp tục thông tin chi tiết ở bài sau.

Lê Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/hoai-duc-ha-noi-doanh-nghiep-thi-cong-kieu-huy-hoai-gia-tri-van-hoa-lich-su-p2158.html