Chiều 2/10/2020, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức lễ khánh thành cầu Tình Húc. Đến dự buổi lễ có đầy đủ những lãnh đạo cao nhất của tỉnh Tuyên Quang.
Cầu Tình Húc là công trình cấp 1 với tổng mức đầu tư 852 tỷ đồng được xây dựng bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Chiều dài toàn cầu là 907m áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại với 5 trụ tháp, cáp dây văng, hệ thống điện chiếu sáng mỹ thuật.
Đây là cây cầu trọng điểm bắc qua dòng sông Lô kết nối giữa QL2 với QL37 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Tuyên Quang trở thành đô thị loại II.
Được đầu tư và kỳ vọng như vậy, nhưng vừa mới cắt băng khánh thành xong thì cây cầu đã phải sửa chữa khiến người dân rất bất ngờ, thất vọng. Theo khảo sát thực tế và tài liệu của PV thể hiện, các vết nứt xuất hiện nhiều tại các trụ T1 – T12, T2 – T11 và T7, T8 của cây cầu khiến sự an toàn, tuổi thọ của cây cầu bị đe dọa.
Để khắc phục những vết nứt này, chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang đã thuê Công ty cổ phần thiết kế cầu lớn – hầm để thiết kế điều chỉnh, sửa các trụ cầu. Bản thiết kế này được chính Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang thẩm định ngày 14/9/2020.
Như vậy, các vết nứt tại một số trụ cầu Tình Húc đã được phát hiện trước khi khánh thành khoảng một tháng nhưng UBND tỉnh Tuyên Quang vẫn tổ chức khánh thành và thông xe, sau đó mới tiến hành sửa chữa.
Ghi nhận của PV ngày 30/12, các phương tiện vẫn lưu thông bình thường qua cầu Tình Húc. Tuy nhiên, phía dưới chân cầu đơn vị thi công vẫn khoan, đục nham nhở một số trụ cầu để ghép thêm sắt và đổ thêm mỗi bên trụ cầu khoảng 1m bê tông. Nhìn các trụ cầu như đang được “bó bột” để tăng thêm sức chịu lực.
Ngoài ra, tại vỉa hè đường dẫn lên cầu Tình Húc, phía trung tâm thành phố, PV còn phát hiện có gần chục vết nứt. Người dân cho biết, bo vỉa hè đường dẫn lên cầu Tình Húc không được sử dụng bê tông đúc sẵn mà đơn vị thi công đã đổ bê tông trực tiếp. Sau khi có hiện tượng nứt gãy thì đơn vị thi công mới dùng máy cắt để cắt bê tông tạo các khe hở.
Nhiều người dân lo ngại về sự an toàn của cây cầu vì cho rằng chất lượng và tuổi thọ của cây cầu khó mà được như thiết kế ban đầu.
Năm 2014, khi dẫn đầu đoàn kiểm tra việc cầu Vĩnh Tuy ở Hà Nội bắc qua sông Hồng xuất hiện nhiều vết nứt, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chủ đầu tư: Phải thuê tư vấn độc lập, có thể là trong nước hay nước ngoài nhưng phải giỏi, giàu kinh nghiệm đánh giá lại mức độ an toàn, đánh giá tuổi thọ của cây cầu. Bộ trưởng yêu phải rà soát lại toàn bộ các hạng mục của cầu để sớm phát hiện những sự cố khác có thể gây mất an toàn. Khi khắc phục xong các vết nứt này phải mời các nhà khoa học đến kiểm tra.
Theo lời của nguyên Bộ trưởng, thì các vết nứt ở cầu Vĩnh Tuy phải được thuê tư vấn độc lập để đánh giá lại mức độ an toàn của cầu, sau đó có các biện pháp để sửa chữa cho phù hợp.
Với việc sửa chữa cầu Tình Húc, trên cơ sở thiết kế và thẩm định của các cơ quan do Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang chỉ định và tự thực hiện liệu có phải là “vừa đá bóng vừa thổi còi”?
Theo tìm hiểu, chủ đầu tư xây dựng cầu Tình Húc là Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang, đơn vị thi công là Liên doanh Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông I. Đơn vị giám sát là công ty cổ phần tư vấn xây dựng giao thông Hà Nội.
Phóng viên đã liên hệ làm việc với các đơn vị có trách nhiệm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Truyền hình Người đưa tin Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Lê Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/tuyen-quang-cau-ngan-ty-vua-di-vua-so-p2161.html