Dịch bệnh bùng phát, số lượng nhiễm tay chân miệng tăng cao, hiện nay đã có hơn 60.000 ca mắc bệnh tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó đã có 6 trường hợp trẻ bị tử vong ở khu vực phía Nam. Dịch bệnh này được dự báo có xu hướng tăng trong thời gian tới do tính chất lây và chưa có vắc xin phòng bệnh.
TS. Bs Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Nhi TW chỉ rõ nguyên nhân, các biến chứng của bệnh tay chân miệng |
Bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên thời điểm hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội đã tiếp nhận hơn 800 trường hợp nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng và chủ yếu là ở các trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.
Đa phần trẻ có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm và diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Biểu hiện của bệnh này gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối…).
Những dấu hiệu trên da của bệnh tay chân miệng |
Điều tra ở trẻ cho thấy hơn 50% số ca nhập viện năm nay là do nhiễm chủng virus EV71, đây là chủng vi rút lây lan nhanh và gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Bệnh tay chân miệng sẽ có dấu hiệu bùng phát nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Cách phòng tránh dịch tay chân miệng cho trẻ:
- Nên Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt sau khi tiếp xúc với các vết bọng nước hoặc vết loét, trước khi nấu ăn hoặc trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và thay tã;
- Nên Rửa sạch các bề mặt và vật dụng bị nhiễm khuẩn (bao gồm đồ chơi) trước tiên với nước và xà phòng, sau đó tẩy trùng bằng chất tẩy có chứa chlorine pha loãng;
- Tránh tiếp xúc trực tiếp như ôm hôn, sử dụng chung đồ dùng, vv… Với trẻ bị nhiễm bệnh cũng giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm;
- Không để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang nhiễm bệnh đến nhà trẻ, mẫu giáo, trường học hoặc tụ tập đông người cho đến khi khỏe hẳn;
- Theo dõi sát sao tình trạng của trẻ nhiễm bệnh và can thiệp y tế kịp thời nếu sốt cao liên tục, mất tỉnh táo và hoặc tình trạng chung diễn biến theo chiều hướng xấu;
- Che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho;
- Vứt khăn giấy và tã đã qua sử dụng vào thùng rác được đậy;
- Giữ vệ sinh tại nhà, trung tâm chăm sóc trẻ, nhà trẻ mẫu giáo hoặc tại trường học.
Kim Thoa
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/dich-tay-chan-mieng-bung-phat-p762.html