Theo văn bia để lại, chùa được xây dựng từ đầu thế kỉ 16 bằng tranh tre vách đất để thờ Phật và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân. Đến năm Hưng Trị thứ 2 (1589), chùa được các chủ sĩ ni và tín thí hai xã Vị Dương và Lưu Khê góp sức trùng tu, tạo tác tượng Phật, xây dựng lại khang trang hơn.
Chùa đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa vào các năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1716), năm Thành Thái thứ 19 (1907), năm Khải Định thứ 3 (1918). Chùa Lái đã trải qua bảy lần sư trụ trì, các sư đều có lòng mộ đạo.
Đến nay, mặc dù thời gian làm cho cảnh cũ xưa kia thay đổi ít nhiều, nhưng nhìn tổng thể chùa Lái vẫn giữ được nét cổ kính: 5 gian chùa chính, 5 gian nhà tổ, vườn, tháp được bố cục theo kiểu tiền Phật hậu Tổ. Chùa quay hướng tây bắc, tuy không theo hướng của các ngôi chùa Việt thường thấy, nhưng lại là một thế rất đẹp, có dòng sông Ván chia làm hai nhánh, ôm trọn vùng đất như thể tay ngai vững chãi.
Chùa Linh Ngai nhìn từ trên cao |
Chùa Lái hiện còn giữ được nhiều cổ vật nguyên vẹn. Trong đó, có nhiều pho tượng bằng gỗ tạc vào thời Mạc được tạo hình đơn giản, súc tích gắn liền và sinh ra từ cảm thức của người nông dân khiến những pho tượng nơi đây trở nên gần gũi. Trải qua hàng trăm năm, những pho tượng vẫn toát lên được hồn và vẻ riêng của mình.
Mặt chính của chùa có một cây hương đá được tạc vào ngày lành năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1716). Cây hương đá làm bằng đá xanh cao 1,6m, rộng khoảng 22 cm hình tứ giác, được mài nhẵn hai mặt trước sau, xung quanh chạm khắc hoa cúc điểm xuyết vân xoắn. Nội dung cây hương đá ghi lại quá trình công đức của vợ chồng ông Phạm Hữu Tài (thôn Vị Khê) và ca ngợi đạo Phật.
Trong quần thể chùa Linh Ngai còn có các am thờ nằm rải rác trong khuôn viên, theo thời gian những am thờ này đã hòa quyện với cây cỏ nơi đây càng toát lên vẻ mộc mạc của một ngôi chùa hàng trăm năm lịch sử.
Am thờ cổ nằm rải rác trong khuôn viên chùa |
Phía sau chùa là vườn bia đá cổ gồm 7 chiếc còn nguyên vẹn. Trong đó, một tấm bia to nhất có khắc tiêu đề “Linh Ngai Tự bi kí” với nội dung ghi lại quá trình trùng tu tôn tạo lại chùa của các tăng ni, phật tử hai xã Vị Dương, Lưu Khê và ca ngợi cảnh chùa Linh Ngai.
7 tấm bia đá cổ tại Linh Ngai Tự |
Chùa Linh Ngai Tự là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở vùng đất Hà Nam - Yên Hưng còn tồn tại đến ngày hôm nay. Hiện, chùa Lái vẫn còn hàng chục cây cổ thụ trong đó đáng chú ý là 2 cây cổ thụ tuổi đời gần 500 tuổi tỏa bóng xum xuê, xanh mát ôm trọn cả một góc chùa, có giá trị rất lớn về mặt tâm linh với các phật tử và người dân, tạo vẻ uy nghiêm cho ngôi chùa cổ này.
|
2 cây cổ thụ còn tồn tại trong không gian chùa |
Chùa Lái được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2000. Mới đây, ngày 22/11/2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và chính quyền địa phương long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Trụ trì chùa Lái. Theo đó, bổ nhiệm sư cô Thích Nữ Chân Tâm, thế danh Huỳnh Thị Cẩm Thúy làm tân Trụ Trì của Linh Ngai Tự.
Với mỗi người dân nơi đây ngôi chùa không chỉ là văn hóa tín ngưỡng mà còn là nơi người dân tập trung sinh hoạt văn hóa giao lưu sau mỗi ngày lao động vất vả. Chính vì vậy ngôi chùa đã gắn liền nhiều thế hệ người dân vùng sông nước này.
Dưới ánh nắng chiều tà, bốn phía xung quanh là ruộng phật, trúc mọc tốt tươi càng tô thêm vẻ cổ kính, huyền bí cho ngôi chùa vốn được coi là cảnh quan của đất Hải Đông này.
Cao Thạch Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/tim-ve-linh-ngai-tu-chon-cua-phat-linh-thieng-p874.html