Nói đến các cơ quan pháp luật, đặc biệt là các đơn vị công an thì bất kỳ ai cũng hiểu rằng, những cán bộ thực thi pháp luật đương nhiên rất am hiểu và tôn trọng pháp luật.
Thế nhưng, tại CATP Lào Cai, lại đang có những cán bộ thiếu hiểu biết pháp luật và không tôn trọng pháp luật, thậm chí còn tự bịa ra các “quy định pháp luật” của riêng mình.
Nhiều tháng qua, PV Truyền hình Người Đưa Tin đã bám sát địa bàn TP Lào Cai và ghi nhận tình trạng vi phạm môi trường rất nghiêm trọng. Đặc biệt là núi rác khổng lồ gần ngay nhà Chủ tịch tỉnh Lào Cai, thuộc phường Bắc Cường, TP Lào Cai, có dấu hiệu buông lỏng quản lý từ những người có trách nhiệm.
Theo dõi và thực hiện việc ghi hình từ tháng 4-2018, đến ngày 7-11-2018, Truyền hình Người Đưa Tin đăng tải phóng sự “Lào Cai: Thượng nguồn sông Hồng bị xâm hại nghiêm trọng”. Trước đó PV đã đến các cơ quan chức năng, trong đó có CATP Lào Cai để tìm hiểu về công tác phòng chống tội phạm môi trường trên địa bàn, nhưng CATP Lào Cai không làm việc với lý do “lãnh đạo đi vắng” và còn yêu cầu trái pháp luật khi yêu cầu PV ngoài thẻ nhà báo còn phải phải có giấy giới thiệu mới làm việc.
Trước đó, Truyền hình Người Đưa Tin đã có bài phản ánh về tình trạng môi trường bị xâm hại nghiêm trọng tại Lào Cai. |
Lần 2 trở lại, PV trình cả thẻ nhà báo và GGT, thì được cán bộ CA hẹn “tuần sau, ngày 13-12 sẽ bố trí làm việc với nhà báo”.
Lần 3, sau nhiều lần đi lại mấy trăm km từ Hà Nội đến Lào Cai, dù đã có lịch hẹn trước, PV vẫn phải chờ đợi đến cuối giờ chiều. Ông Hoàng Văn Sơn, tự giới thiệu là Đội trưởng Đội tham mưu CATP Lào Cai tuyên bố thừa lệnh cấp trên, từ chối làm việc với PV với lý do mà ông Sơn khẳng định là “theo luật báo chí”: Tức là PV báo nào muốn tiếp cận các cơ quan nhà nước trên địa bàn thì cơ quan báo chí đó phải có văn phòng đại diện ở địa phương và PV phải được UBND tỉnh cho phép.
Ông Hoàng Văn Sơn - Đội trưởng Đội Tham mưu CATP Lào Cai từ chối làm việc và khẳng định đó là "theo luật báo chí" |
Trên thực tế, Luật báo chí không có điều khoản nào như ông Sơn nói. Các hệ thống văn bản pháp luật cũng không có quy định cơ quan báo chí phải có văn phòng đại diện và phải được UBND tỉnh đó cho phép thì mới được tiếp cận các cơ quan Nhà nước.
Nói cách khác, ông Sơn tự nghĩ và tự bịa ra các điều khoản, quy định của riêng mình. Điều này là vi hiến, đi ngược lại Hiến pháp nước CHXHCNVN, vi phạm hệ thống pháp luật VN, xâm phạm nghiêm trọng quyền tiếp cận thông tin của Nhà báo.
Khẳng định với Truyền hình Người Đưa Tin, bà Trần Xuân Huệ, Trưởng phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Lào Cai, cho hay: “Tỉnh không có văn bản nào giới hạn quyền tác nghiệp tác nghiệp của phóng viên như thế... Tỉnh Lào Cai rất có thiện chí với báo chí. Anh cứ hỏi đồng chí ấy (ông Sơn) là quy định tại văn bản nào”.
Ông Phạm Gia Chiến, Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Lào Cai, cũng trả lời dứt khoát rằng, tỉnh Lào Cai không có quy định nào như vậy.
Ông Trần Văn Bắc, Phó trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Lào Cai, cũng khẳng định Lào Cai không có quy định nào hạn chế hoạt động của báo chí như vậy. “Quy định ở đâu ấy chứ, Lào Cai làm gì có quy định đó. Công an tỉnh làm gì có quy định nào hạn chế báo chí đâu. Báo chí được quyền tự do tiếp cận cơ mà... “. Ông Bắc hướng dẫn PV làm việc thẳng với cấp trên của ông Sơn.
Điều 7 Nghị định 159/2013/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về "Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí" quy định phạt tiền từ 5 – 30 triệu đồng với các hành vi cản trở, xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy hiếp tính mạng, hủy hoại, làm hư hỏng phương tiện tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
Hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí có thể bị xử phạt |
Trên tờ Tiền Phong, Luật sư Tuấn Anh, cho biết: Bộ luật Hình sự năm 2015 đã ghi nhận hành vi “Xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin...” là một hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là “Cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm”.
Đối chiếu các quy định pháp luật, hành vi của ông Sơn, Đội trưởng tham mưu CATP Lào Cai, và người ra mệnh lệnh cho ông Sơn, không chỉ có dấu hiệu cản trở báo chí mà còn có dấu hiệu xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Giám đốc Sở thông tin & truyền thông tỉnh Lào Cai chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi của các cán bộ liên quan, đảm bảo thượng tôn pháp luật, đảm bảo uy tín cũng như hình ảnh lực lượng Công an nhân dân.
Bích Hà
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/can-bo-catp-lao-cai-thieu-hieu-biet-phap-luat-can-tro-bao-chi-p907.html