(Bài 20) Hoạt động huỷ hoại môi trường ở Hoàng Mai, Hà Nội: Quản lý đất công lỏng lẻo, vi phạm môi trường không bị xử lý

Công tác quản lý đất đai, môi trường tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đang là vấn đề nhức nhối. Các cấp quản lý địa phương đã có một số biện pháp để ngăn chặn, nhưng các vi phạm vẫn diễn ra một cách công khai, kéo dài.

 

Truyền hình Người đưa tin pháp luật nhận được nhiều ý kiến phản ánh qua đường dây nóng về hiện tượng đổ chất thải tràn lan cũng như vấn đề quản lý đất công, đất nông nghiệp lỏng lẻo tại phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.

PV ghi nhận trên địa bàn phường Thịnh Liệt có gần chục điểm đang san lấp đất công, đất nông nghiệp. Trong đó có khu vực bao gồm cả đất công, đất nông nghiệp diện tích vài chục ngàn m2 đang có hiện tượng cho đổ đất, chất thải xây dựng để san lấp, thu tiền công khai giữa ban ngày.

aae5436812e4e2babbf5-1612160583.jpg
Để được đổ rác hay phế thải, người đổ phải đóng tiền cho chủ bãi

Qua nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu, PV không thấy bóng dáng của các cơ quan chức năng như CA, UBND phường cũng như lực lượng TTGT, CSGT và nhất là lực lượng cảnh sát môi trường.

Hàng chục biển cấm đổ phế thải được UBND phường cắm tại khu vực thường xuyên bị đổ đất mang tính hình thức.

Trong phạm vi tuyến đường đang được thi công theo quy hoạch cắt qua cánh đồng nối đường Tam Chinh và phố Tân Mai bị đổ phế thải cao đến 2m.

Người dân địa phương cho hay, có khả năng những người có trách nhiệm “bật đèn xanh” cho các đối tượng đổ chất thải vào ao, ruộng trong diện quy hoạch. Sau này khi dự án được thực hiện thì tiếp tục lại kiếm được một khoản tiền từ việc vận chuyển chất thải từ đây đi nơi khác. Bằng cách này, nhóm lợi ích có thể ăn nhiều lần tiền từ chất thải.

b889ae6bffe70fb956f6-1612160583.jpg
Hoạt động đổ thải hủy hoại môi trường diễn ra thường xuyên trên địa bàn phường Thịnh Liệt

Biết trước tuyến đường sắp hoàn thành có lợi thế về mặt thương mại rất cao nên một số cá nhân đã nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp như: San lấp ao, đất nông nghiệp để xây dựng nhà, xây sân tennis hoạt động ngày đêm từ nhiều năm nay. Hành vi này các cán bộ từ quận đến phường nắm rõ, có lập biên bản, có xử lý nhưng các công trình vẫn tồn tại như thách thức pháp luật.

Điều 3 Nghị định 191/2019/ NĐ – CP ngày 19/11/2019 quy định huỷ hoại đất là một trong các hành vi: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề.

Theo Điều 15 của nghị định này, nếu vi phạm huỷ hoại đất từ 1ha trở lên bị phạt 60 triệu đến 150 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. 

c496e02bb1a741f918b6-1612160583.jpg
Hiện tượng san lấp ao, đất nông nghiệp để xây dựng nhà, kinh doanh xuất hiện ngày càng nhiều

Để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong vấn đề quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, PV đã đặt lịch làm việc với UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Thịnh Liệt để làm rõ các nội dung trên nhưng đến nay chưa được hồi âm.

Truyền hình Người đưa tin sẽ tiếp tục thông tin.

 

Quốc Long - Hào Nam

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/bai-20-hoat-dong-huy-hoai-moi-truong-o-hoang-mai-ha-noi-quan-ly-dat-cong-long-leo-vi-pham-moi-truong-khong-bi-xu-ly-p9135.html