Đan Phượng, Hà Nội: Cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của một gia đình chính sách

UBND xã Thọ An (Đan Phượng, Hà Nội) lập biên bản vi phạm, ra quyết xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu tự khắc phục hậu quả, trên cơ sở xác định nguồn gốc đất không đúng thực tế, gây thiệt hại cho một gia đình chính sách, khiến nhân dân địa phương bất bình.

 

Công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đang là vấn đề phức tạp, luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của chính quyền các cấp tại Hà Nội. Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai theo chức năng nhiệm vụ tại cơ sở phát sinh nhiều vụ việc khiến người dân chưa đồng thuận, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Theo nghiên cứu, tìm hiểu của Truyền hình Người đưa tin pháp luật: Cụ Lê Văn Nhân (quê ở xã Thọ An, huyện Đan Phượng, Hà Nội) là thương binh chống Pháp. Năm 1956, cụ Nhân được chính quyền, gia đình và bà con nhân dân đón về nuôi dưỡng tại địa phương và cấp cho thửa đất diện tích 1000m2 của địa chủ, trên đó có một nhà 2 tầng và một nhà cấp 4. Đến năm 1966, do cần địa điểm làm trường học, uỷ ban hành chính xã đã đề nghị đổi cho cụ Nhân sang vị trí đất tại cụm 4, xã Thọ An và xây cho cụ Nhân một ngôi nhà 3 gian trên thửa đất rộng 892m2.

Cụ Nguyễn Văn Tấn, Nguyên cán bộ địa chính xã Thọ An, cho biết: “Cụ Lê Văn Nhân là thương binh tập kết ra Bắc năm 1954, UBND xã Thọ An đón ông về để nuôi dưỡng. Đến năm 1956, đội cải cách ruộng đất, trong đó có tôi, cấp cho ông 1 ngôi nhà của địa chủ Đào Ngọc Bảo. Sang năm 1957, 1958 do không có trường học nên UBND xã Thọ An đổi cho ông Nhân để lấy đất và cấp cho ông Nhân về đây xây 1 ngôi nhà cấp 4, đất về đây của ông tổng là 892 m2 ghi trong sổ địa chính hiện nay ở xã, trong đó có 360m2 đất thổ cư, còn lại là đất thổ canh”.

z2359159284757-66ff2b3811e4572013eeb991b4c45331-1614784541.jpg
Căn nhà của cụ Nhân được UBND xã Thọ An xây dựng từ năm 1966 cho đến nay vẫn còn y nguyên trên thửa đất

Năm 1987, cụ Nhân mất do vết thương tái phát. Các con của cụ Nhân đã bán bớt một số diện tích cho 3 hộ gia đình khác, chỉ giữ lại 220m2 bao gồm căn nhà ba gian chính quyền và nhân dân địa phương xây cho cụ nhân. Năm 1990, căn nhà ba gian xuống cấp, gia đình cụ Nhân sửa chữa thành căn nhà 2 gian còn tồn tại đến ngày nay, hiện bà Lê Thị Sâm (là con dâu cụ Nhân đang quản lý). Theo sổ mục kê địa chính các thời kỳ, trong tổng diện tích 892m2 có 360m2 đất thổ cư. Không có tài liệu thể hiện vị trí của chỗ nào là đất thổ cư, chỗ nào là đất nông nghiệp trên toàn bộ thửa đất.

UBND xã Thọ An đã làm thủ tục và UBND huyện Đan Phượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 hộ là ông Trần Văn Mơ và ông Trần Văn Nên với tổng diện tích là 436m2 đất thổ cư, còn thửa đất của cụ Nhân có căn nhà cũ do chính quyền và nhân dân dựng lên cho người có công lại được cho là đất nông nghiệp. Mâu thuẫn nữa là, huyện Đan Phượng cấp cho 2 hộ dân trên tổng số diện tích 436m2 đất thổ cư, trong khi hồ sơ địa chính thể hiện toàn bộ thửa đất này chỉ có 360m2 đất thổ cư, tức là huyện Đan Phượng “phóng tay” cấp thừa tới 76m2 đất thổ cư.

Việc xác định phần đất còn lại của gia đình cụ Nhân đang sử dụng là đất nông nghiệp là hoàn toàn sai về thực tế sử dụng vì trên vị trí này UBND xã Thọ An đã xây dựng một căn nhà cấp 4 để đổi đất cho cụ Nhân từ năm 1966. Tới năm 1990 gia đình mới sửa chữa lại. 

z2359165902154-60257526e3362317346ed01ac59dca99-1614784605.jpg
Các nhà khác nằm trong thửa đất được dựng lên không bị xử phạt, cưỡng chế

Như vậy, vị trí đất còn lại của gia đình chính là vị trí được sử dụng vào mục đích đất ở từ năm 1966 cho đến nay. Hơn nữa, trên bản đồ không thể hiện vị trí nào là đất thổ cư, vị trí nào là đất vườn, đất nông nghiệp, nên không thể xác định toàn bộ thửa đất của còn lại của gia đình ông Lê Văn Nhân là đất nông nghiệp.

Bà Lê Thị Sâm, con của cụ Nhân bức xúc: “Năm 1987 bố tôi mất, các ông ấy đem chuyển mục đích đất của bố tôi từ đất ở thành nhiều loại đất, mà đất ấy là UBND xã thời trước xây nhà cho bố tôi từ xưa đến nay. Bị chuyển như thế mà nhà tôi không hề biết gì, lên hỏi các ông ấy thì các ông bảo dưới địa phương làm sai nên chúng tôi làm sai theo. Các ông là cán bộ huyện mà không trả lời văn bản rõ ràng cho chúng tôi mà cứ trả lời bằng mồm. Ông Nguyễn Hữu Hoàng trả lời văn bản thì đất nhà tôi là đất sản xuất, mà trong khi đó bố tôi ở từ năm 1966 đến bây giờ”.

Với việc thực hiện công tác quản lý đất đai thiếu khách quan, minh bạch, UBND xã Thọ An đã đẩy gia đình, con cháu cụ Lê Văn Nhân vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Năm 2016, do căn nhà ba gian chính quyền và nhân dân xây dựng làm nơi thờ cúng cụ Nhân đã xuống cấp trầm trọng, nên gia đình đã tích góp, vay mượn để dựng căn nhà nhỏ ngay cạnh nền nhà cũ. Theo quy định, xây dựng nhà trên đất ở nông thôn không cần phải xin giấy phép xây dựng. Khi căn nhà gần hoàn thiện, UBND xã đã báo cáo UBND huyện và tiến hành cưỡng chế vì cho là xây dựng trên đất nông nghiệp. Việc cưỡng chế khi đó đã gây bất bình trong quần chúng nhân dân suốt thời gian dài. Những dấu hiệu sai phạm trong vụ cưỡng chế này sẽ được Truyền hình Người đưa tin phân tích trong một bài viết khác.

z2359174057387-3e3c4cad05be88104ec6f422de154864-1614784655.jpg
Năm 2016, UBND huyện Đan Phượng, UBND xã Thọ An cưỡng chế nhà bà Lê Thị Sâm xây cạnh căn nhà cũ để hương khó cụ Lê Văn Nhân, vụ việc đã gây bất bình trong quần chúng nhân dân suốt thời gian dài

Đây là đất xương máu do Đảng, Nhà nước cấp, chứ không có cơ quan nào cấp. Năm 2016, Chủ tịch huyện Nguyễn Hữu Hoàng về đây cùng Chủ tịch Quyết cưỡng chế đập phá, tịch thu toàn bộ vật liệu, xong còn đâu xúc đổ xuống sông hồng. Tịch thu bàn thờ, ảnh của thương binh nhân dân, tịch thu luôn huân, huy chương tặng thưởng cho thương binh nhân Lê Văn Nhân. Thế các ông có quyền gì mà lấy kỷ vật do Đảng, Nhà nước cấp cho người có công?”, cụ Nguyễn Văn Tấn bức xúc.

Năm 2020, thấy các hộ liền kề rầm rộ xây dựng, và căn nhà thờ cúng cụ Nhân cũng dột nát, con cái cụ Nhân tiếp tục tiến hành xây dựng. Trước khi triển khai gia đình cụ Nhân đã gửi đơn lên UBND huyện, UBND xã để xin phép được xây dựng dù ở khu vực nông thôn không phải xin cấp phép. Khi gia đình bà tiến hành xây dựng, không có cơ quan nào đến kiểm tra, ngăn chặn.

Tuy nhiên, đến khi gia đình sắp hoàn thành căn nhà thì UBND xã đến để lập biên bản và ra quyết định xử phạt, yêu cầu tự dỡ bỏ công trình. Gia đình bà rất hoang mang, không hiểu nổi tại sao các gia đình khác trên địa bàn xã xây dựng nhà trên đất nông nghiệp thì không bị xử lý, gia đình bà xây dựng trên đất được UBND xã cấp cách đây nửa thế kỷ vào mục đích đất ở thì lại cho là đất nông nghiệp và bị xử lý.

z2359196796537-2e5015a8da13897518a1cf4775250df1-1614784655.jpg
Con cháu của cụ Lê Văn Nhân hoang mang, gửi đơn cầu cứu nhiều nơi để được giữ lại căn nhà mới cho việc hương khói tổ tiên, cha ông

Bà Lê Thị Sâm cho biết thêm: “Bố tôi chết thì mất rồi, mà bây giờ các ông bảo nếu tôi có giấy viết tay của bố tôi bảo rằng đây là đất thổ cư thì chúng tôi công nhận. Bảo thế các ông khác gì đánh đố gia đình tôi”.

Để làm rõ những khúc mắc của gia đình bà, phóng viên Truyền hình Người đưa tin pháp luật đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Đan Phượng và UBND xã Thọ An, tuy nhiên đến nay các cơ quan này vẫn chưa thấy hồi âm.

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của gia đình người có công, đề nghị UBND huyện Đan Phượng, UBND xã Thọ An xem xét thận trọng trước khi xử phạt, tổ chức cưỡng chế công trình xây dựng của gia đình cụ Nhân, kiểm tra lại nguồn gốc sử dụng đất đảm bảo khách quan, công bông bằng, không để quyền lợi của gia đình chính sách bị xâm hại. 

Truyền hình Người đưa tin pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Ngọc Quang - Phong Hào

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/dan-phuong-ha-noi-can-dam-bao-quyen-loi-chinh-dang-cua-mot-gia-dinh-chinh-sach-p9169.html