Tây Hồ, Hà Nội: Nhức nhối tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép đất ven sông để đón quy hoạch

Quận Tây Hồ cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng tại các phường có đất nằm trong ranh giới quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng và xây dựng trái phép tại địa bàn này.

Thường vụ Thành ủy TP Hà Nội vừa thống nhất trình các bộ, ngành liên quan đồ án quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6 tới. Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha, kéo dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở thuộc địa bàn 55 phường, xã của 13 quận, huyện ở Hà Nội. Đất 2 ven sông Hồng chủ yếu để phát triển không gian công cộng và theo hướng đô thị xanh, cảnh quan văn hóa thay vì đô thị cao tầng.

trat-tu-xd00-00-23-10still005-1619517422.jpg
Thường vụ Thành ủy TP Hà Nội vừa thống nhất trình các bộ, ngành liên quan đồ án quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng

Đón đầu quy hoạch, giới đầu tư bất động sản đã đầu tư vào bất động sản khu vực quy hoạch 2 bờ sông Hồng tại một số quận trọng điểm như Tây Hồ, Long Biên, Gia Lâm. Trong đó, khu vực quận Tây Hồ có diện tích đất bãi bồi nằm trong lòng đê rất lớn. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, hiện tượng chuyển nhượng đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công và xây dựng trái phép trở nên rất phức tạp, tồn tại trong nhiều năm nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn. 

trat-tu-xd00-00-26-07still004-1619517422.jpg
Từ nhiều năm nay, hiện tượng chuyển nhượng đất nông nghiệp, lấn chiếm đất công và xây dựng trái phép trở nên rất phức tạp

Từ đầu năm 2021 đến nay, chạy theo cơn sốt đất ở một số khu vực, kết hợp với thông tin quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng, tình hình mua bán chuyển nhượng ở khu vực cũng khá nhộn nhịp. Nhiều người mua đất xây nhà ở khu vực này họ là những người lao động trẻ, làm ăn buôn bán nhỏ, nên tìm những thửa đất công, đất nông nghiệp để có giá rẻ hơn đất thổ cư.

Riêng khu vực bãi sông có hàng ngàn ngôi nhà, xưởng sản xuất được xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công tạo nên những khu dân cư lớn, đa số là người lao động ở các tỉnh, học sinh, sinh viên đến cư ngụ. 

trat-tu-xd00-02-53-11still002-1619515200.jpg
Khu vực bãi sông có hàng ngàn ngôi nhà, xưởng sản xuất được xây dựng trên đất nông nghiệp

Công tác quản lý nhà nước về đất đai có dấu hiệu bị buông lỏng. Việc này gây hệ luỵ rất lớn khi việc quy hoạch 2 bờ sông Hồng được thông qua và triển khai. Hàng nghìn hộ gia đình đang sử dụng đất nông nghiệp, đất công sẽ bị ảnh hưởng, vì quy hoạch không để tồn tại các khu dân cư tự phát trên đất công, đất nông nghiệp. 

Theo luật đất đai 2013, các hộ gia đình nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất công xây dựng nhà trái phép sẽ không được bồi thường về đất và tài sản trên đất. Về phía chính quyền sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề xã hội khi thu hồi đất, tốn kém kinh phí để hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thu hồi đất.

trat-tu-xd00-01-43-17still001-1619515200.jpg
Công tác quản lý nhà nước về đất đai tại đây có dấu hiệu bị buông lỏng

Để nghiên cứu, tìm hiểu làm rõ các nội dung như: Trách nhiệm của lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, các cơ quan tham mưu trong quản lý nhà nước về đất đai tại các phường ven sông Hồng; Công tác đánh giá cán bộ, đề bạt cán bộ tại các phường có nhiều vi phạm trong TTXD; giải pháp thực hiện công tác quản lý đất đai, PV đã đến UBND quận Tây Hồ để liên hệ đặt lịch làm việc, tuy nhiên, đến nay chưa có hồi âm.

Người đưa tin TV sẽ tiếp tục thông tin.

Lê Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/tay-ho-ha-noi-nhuc-nhoi-tinh-trang-lan-chiem-chuyen-nhuong-trai-phep-dat-ven-song-de-don-quy-hoach-p9220.html