Việc tranh chấp dân sự về quyền sử dụng đất luôn chiếm tỷ lệ cao trong các vụ tranh chấp dân sự. Nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng việc thi hành án trong nhiều vụ việc rất khó khăn và phức tạp, khiến bản án có hiệu lực pháp luật không được thực hiện trên thực tế.
Người đưa tin pháp luật TV đã thông tin ở bài viết “Trên chỉ đạo, dưới… bất tuân!” liên quan đến việc thi hành án đối với Bản án số 05/2018/DSST ngày 20/08/2018 của Toà án nhân dân (TAND) TP Ninh Bình.
Tại Bản án số 05/2018/DSST ngày 20/08/2018, TAND TP Ninh Bình đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Đỗ Văn Tùng, bà Trịnh Thị Thoa đối với vợ chồng ông Đỗ Văn Sáng, bà Đỗ Thị Ngải, buộc ông Sáng, bà Ngải trả lại cho gia đình ông Tùng, bà Thoa diện tích 204m2 tại thửa đất số 21, tờ bản đồ số 32, năm 2006 thuộc thôn Yên Khoái, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Do không nhất trí với bản án sơ thẩm, ông Sáng và bà Ngải kháng cáo lên TAND tỉnh Ninh Bình.
Ngày 9/4/2019, TAND tỉnh Ninh Bình đã ra Quyết định số 01/QĐ - PT bác đơn kháng cáo của vợ chồng ông Sáng, bà Ngải.
Sau khi có đơn đề nghị của phía nguyên đơn, ngày 4/1/2019, Chi cục THADS TP Ninh Bình đã ra Quyết định số 22/QĐ – CCTHADS về việc thi hành án theo yêu cầu đối với bản án trên.
Thế nhưng việc thi hành án sau đó chỉ được thực hiện trên… giấy! Cơ quan thi hành án ban hành quyết định xong rồi… để đó, mà không rõ nguyên nhân vì sao.
Phía ông Tùng, bà Thoa gửi đơn cầu cứu nhiều nơi như: Văn phòng Chính phủ, Tổng cục THADS, Thanh tra tỉnh Ninh Bình, Thành uỷ TP Ninh Bình, TAND TP Ninh Bình. Đặc biệt, UBND TP Ninh Bình đã 3 lần chuyển đơn thư, Cục THADS tỉnh Ninh Bình 2 lần chuyển đơn thư và đôn đốc Chi cục THADS TP Ninh Bình, căn cứ chức năng nhiệm vụ để giải quyết, sớm tổ chức thi hành án và báo cáo kết quả.
Điều 45 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, cơ quan thi hành án sẽ ra thông báo thi hành án, ấn định cho người phải thi hành án một thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn tự nguyện nói trên, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.
Trong vụ việc này, sau khi ban hành quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án đã “ngâm” một thời gian dài, không tiến hành cưỡng chế khi hết thời gian tự nguyện. Hậu quả là người phía bị đơn tiến hành xây nhà trên phần đất mà tòa án đã phân xử cho nguyên đơn, càng khiến việc thi hành án trở nên khó khăn. Kéo theo đó là tình trạng gây rối, mất ANTT ở địa phương.
Khoản 4, Điều 165 Luật thi hành án dân sự quy định: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc ra quyết định về thi hành án trái pháp luật; Chấp hành viên không thi hành đúng bản án, quyết định, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái pháp luật; vi phạm quy chế đạo đức của Chấp hành viên thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 379 Bộ Luật hình sự năm 2015; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người đưa tin pháp luật TV sẽ tiếp tục thông tin.
PV đã liên hệ làm việc với UBND TP Ninh Bình, Chi cục THADS TP Ninh Bình, UBND xã Ninh Phúc, nhưng đến nay các đơn vị này vẫn im lặng.
Đề nghị Tổng cục thi hành án, UBND tỉnh Ninh Bình, Cục THA tỉnh Ninh Bình, UBND TP Ninh Bình vào cuộc, chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu Chi cục THADS TP Ninh Bình và chấp hành viên được phân công nhiệm vụ. Xem xét có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, đồng thời khẩn trương thực việc thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Nhóm PV
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/bai-3-tp-ninh-binh-cham-tre-thi-hanh-an-co-the-xu-ly-hinh-su-p9221.html