Tranh chấp đất đai thời gian qua là một trong những tranh chấp có số lượng đơn thư chiếm tỷ lệ lớn trong các loại tranh chấp. Ngay cả đơn thư gửi đến Người đưa tin TV mấy năm qua, cũng thể hiện tranh chấp đất đai hiện đang là vấn đề “nóng” nhất.
Theo Luật đất đai, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là UBND các cấp. Nếu việc giải quyết của UBND cấp xã, huyện không đúng quy định, người dân có quyền gửi đơn thư lên cấp cao hơn.
Theo Điều 203 Luật đất đai: Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất do toà án nhân dân giải quyết.
Không có điều luật nào cho phép người dân “tự xử” bằng cách sử dụng bạo lực hoặc gây mất ANTT. Hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đầy đủ các chế tài xử lý đối với các hành vi giải quyết tranh chấp đất đai bằng bạo lực.
Trở lại vụ việc huỷ hoại tài sản công dân ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội mà Người đưa tin TV đã thông tin trong bài “Tự xưng ‘tổ đội’, huỷ hoại tài sản công dân”: Gia đình ông Công cho biết đã khai hoang hơn 10 năm ở khu vực đất bãi ven sông Hồng và chính quyền địa phương không ngăn cấm.
Ông Nguyễn Văn Công chua xót cho biết: “Từ năm 2010, tôi thấy mảnh đất để hoang, thế là tôi vay mượn được đồng nào thì san ủi và khai hoang để trồng cây. Từ đó đến nay, tôi sử dụng bình thường, không có ai tranh chấp cả, cũng không thấy ý kiến gì từ chính quyền".
Nhóm người do ông Khánh “nhiều mực” đứng đầu và lôi kéo người dân huỷ hoại hoa màu, tài sản thì cho rằng diện tích đất này thuộc quyền quản lý của “tổ đội”.
Còn lãnh đạo UBND xã Đại Mạch thì khẳng định, đây là đất công do UBND xã quản lý.
Như đã phân tích ở trên, nếu ông Khánh “nhiều mực” và “tổ đội” cho rằng đây là đất của mình và UBND xã sai, thì có quyền khiếu nại, thậm chí tố cáo lên cấp cao hơn, như vậy mới là thượng tôn pháp luật.
Luật sư Nguyễn Hồng Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Người dân không được phép “cưỡng chế”, mà phải có bản án hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ đó. Người dân không được phép xâm phạm đến tài sản của người khác khi chưa được cơ quan thẩm quyền giải quyết về vấn đề đó. Nếu được giải quyết đi nữa cũng phải đề nghị cơ quan thẩm quyền cưỡng chế, thực hiện quyết định, bản án”.
Tuy nhiên, nhóm người tự xưng “tổ đội” lại tự cho mình quyền được huỷ hoại tài sản của người khác với thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng, là một sai lầm lớn. Bởi, từ tranh chấp dân sự đã chuyển sang vấn đề phạm pháp hình sự. Và không chỉ ông Khánh “nhiều mực” mà nhiều người dân vốn chân chất, thật thà nay có thể vướng vòng lao lý.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội): “Hành vi huỷ hoại tài sản nếu cơ quan chức năng có căn cứ, thì có thể bị phạt đến 20 năm tù giam. Nếu xảy ra vấn đề mất ANTT hoặc xâm phạm chỗ ở, huỷ hoại tài sản thì trách nhiệm thuộc về lực lượng công an địa phương”.
Nếu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, thì đây thật sự là một điều đáng tiếc, vì những người dân bị lôi kéo thực hiện hành vi huỷ hoại tài sản về bản chất là những nông dân chân chất, thật thà. Thế nhưng không khởi tố sẽ dẫn đến coi thường kỷ cương phép nước, và có thể xảy ra nhiều vụ huỷ hoại tài sản tương tự.
(Còn tiếp)
Phong Hào - Thạch Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/bai-2-giai-quyet-tranh-chap-dat-dai-bang-bao-luc-duong-den-nha-giam-p9283.html