(Bài 3) Vụ tự xưng 'tổ đội' hủy hoại tài sản công dân: Góc nhìn luật gia

Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến - Giám đốc Công ty Luật TNHH Gia Võ - bày tỏ góc nhìn pháp lý xung quanh vụ việc nhóm người tự xưng là “tổ đội” hủy hoại tài sản hoa màu, tài sản của công dân ở Đông Anh, Hà Nội.

Như đã phân tích ở các bài trước, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là của uỷ ban nhân dân các cấp hoặc toà án. 

Khi phát sinh tranh chấp, bất kỳ bên nào sử dụng bạo lực, gây mất ANTT, hoặc các hành vi vi phạm khác, đều sẽ bị xử lý theo quy định, không loại trừ xử lý hình sự.

Vụ việc ông Khánh “nhiều mực” và nhóm người tự xưng “tổ đội” thực hiện hành vi huỷ hoại hoa màu, tài sản công dân để giải quyết tranh chấp đất đai, hiện đang được công an và chính quyền địa phương xác minh để xử lý theo quy định.

dong-anh-300-02-42-13still004-1623674347.jpg
Ông Khánh “nhiều mực” và nhóm người tự xưng “tổ đội” thực hiện hành vi huỷ hoại hoa màu, tài sản công dân

Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến - Giám đốc Công ty Luật TNHH Gia Võ - bày tỏ góc nhìn pháp lý xung quanh vụ việc này.

“Trường hợp này chính quyền chưa ra văn bản hay thông báo nào về việc thu hồi đất. Nếu như có phải thu hồi thì chính quyền cũng phải đưa ra lý do thu hồi đất của người dân. Còn công dân canh tác ổn định, chính quyền chưa đưa ra văn bản hay thông báo nào về việc thu hồi đất, thì đương nhiên hành vi hủy hoại tài sản trên đất của công dân sẽ bị xử lý theo Điểm a, Khoản 2, Điều 15, Nghị định 167 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, sẽ xử phạt 2 triệu đến 5 triệu đồng, đối với hành vi không nghiêm trọng. 

Còn trong trường hợp, nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Khoản 1, Điều 178 về tội cố ý hủy hoại tài sản của người khác, mức xử phạt là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

dong-anh-300-00-56-04still003-1623674252.jpg
Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến bày tỏ góc nhìn pháp lý xung quanh vụ việc

“Đối với trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Công, tôi thấy rằng, ông Công đã canh tác trên mảnh đất này từ năm 2010 và chính quyền địa phương chưa có ý kiến nào đối với việc ông canh tác trên mảnh đất trên, đến thời điểm hiện nay ông cũng chưa nhận được thủ tục bàn giao đất.

Vậy khi ra chủ trương chính sách thu hồi đất này, có một nhóm người tự xưng là tổ đội 1 ra thu hồi đất thì chính quyền địa phương có nắm được hay không? Đối với việc bảo vệ quyền lợi của người dân thì chính quyền đã có biện pháp nào hay chưa? Và hành vi của một nhóm người tự xưng là tổ đội như thế này đến hủy hoại tài sản của người dân như thế này thì pháp luật của chúng ta đang ở đâu để cho người dân tin tưởng”. 

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến, trường hợp hủy hoại tài sản có tổ chức và gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, theo Điểm a và b, Khoản 2, Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

(Còn tiếp)

 

Thạch Thảo - Phong Hào

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/bai-3-vu-tu-xung-to-doi-huy-hoai-tai-san-cong-dan-goc-nhin-luat-gia-p9286.html