Bảo hiểm thất nghiệp - 'Phao cứu sinh' cho người lao động mất việc thời Covid

Từ năm 2020 đến nay, dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều người lao động và đơn vị sử dụng lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là mất việc hay giải thể. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà BHXH, BHTN phát huy tác dụng, trở thành chiếc phao cứu sinh cho người lao động và người sử dụng lao động trong giai đoạn này.

 

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, năm 2020, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với năm 2019; Quý 1/2021, cả nước có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, nhờ có chính sách BHXH, BHTN, người lao động đã được hỗ trợ phần nào để trang trải cuộc sống, vượt qua khó khăn giai đoạn này.

Theo đó, năm 2020, tổng số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) là 1.004.729 người, tăng 12,02% so với năm 2019 với tổng số chi quỹ BHTN là 18.852 tỷ đồng, tăng 49,2% so với năm 2019.

Do đó, người lao động đã và đang tham gia BHTN cần lưu ý về chế độ và thủ tục, hồ sơ để được hưởng quyền lợi hợp pháp.

sequence-0100-00-23-14still002-1624871303.jpg
Bảo hiểm thất nghiệp - 'phao cứu sinh' cho người lao động mất việc thời Covid

Về chế độ nhận BHTN:

Đối với người lao động: Người lao động đã tham gia BHTN khi bị mất việc làm sẽ được hưởng TCTN hàng tháng khi đáp ứng đủ các điều kiện hưởng theo quy định của Luật Việc làm. Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng được tính bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng)

Đồng thời, người lao động còn được hỗ trợ tham gia các khóa học nghề; được tư vấn, giới thiệu tìm kiếm việc làm miễn phí và được hưởng quyền lợi về BHYT trong thời gian hưởng TCTN hàng tháng.

Đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động: được hỗ trợ kinh phí để đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, người lao động bị chấm dứt HĐLĐ, HĐLV mà không đủ điều kiện hưởng BHTN, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc thì được hưởng trợ cấp theo gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.  

sequence-0100-01-25-09still001-1624871215.jpg
Ông Đào Duy Hiện - Phó trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam

Về thủ tục, hồ sơ nhận chế độ BHTN:

- Đề nghị hưởng TCTN (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-LĐTBXH);

- Giấy tờ về việc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV;

- Sổ BHXH

Người lao động gửi hồ sơ về Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận TCTN trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, HĐLV. Trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hưởng do Giám đốc sở LĐTBXH ban hành, cơ quan BHXH thực hiện chi trả thông qua hình thức tiền mặt hoặc qua tài khoản cá nhân.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật việc làm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Thạch Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/bao-hiem-that-nghiep-phao-cuu-sinh-cho-nguoi-lao-dong-mat-viec-thoi-covid-p9302.html