Nhiều kịch bản giúp doanh nghiệp thuận lợi xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Lào Cai

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Nắm bắt được điều này, tỉnh Lào Cai đã xây dựng nhiều kịch bản nhằm tạo thuận lợi thông quan cho các mặt hàng nông sản tươi. Đặc biệt, đối với xuất khẩu vải thiều qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành sang thị trường Trung Quốc luôn được ưu tiên đặc biệt.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, các lực lượng chức năng đứng chặn trên cửa khẩu đã nghiêm túc phối hợp, thực hiện giải quyết thủ tục xuất khẩu, hướng dẫn doanh nghiệp, lái xe từ vị trí tập kết, thời gian đưa xe vào bãi chờ xuất, nơi ăn chốn ở cho lái xe chờ xe quay về từ Trung Quốc.

Để đảm bảo an toàn và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tất cả các phương tiện chở nông sản đi xuất khẩu, khi vào đến tỉnh Lào Cai buộc phải qua lối duy nhất tại Trạm kiểm soát Km237, cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Tại đây, các lái xe và người đi cùng sẽ được xét nghiệm sàng lọc test kháng nguyên với virus Sars Cov 2. Đồng thời, tất cả người trên xe phải cung cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm Covid -19 âm tính từ 3-5 ngày trước khi vào địa bàn tỉnh. 

sequence-0200-00-54-14still003-1625142514.jpg
Các lái xe và người đi cùng sẽ được xét nghiệm sàng lọc test kháng nguyên với virus Sars Cov 2

Với trường hợp không có giấy chứng nhận, bắt buộc phải thay bằng lái xe của tỉnh Lào Cai. Lái xe và người đi cùng ban đầu sẽ vào khu cách ly tại Trạm kiểm soát Km237 chờ xe quay đầu sau khi xuất hàng tại Trung Quốc.

Trong trường hợp đủ điều kiện vào địa bàn tỉnh Lào Cai đến cửa khẩu thì lái xe và người đi cùng vẫn sẽ được lập danh sách, theo dõi lịch trình và phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Khi nông sản được thông quan, cả người và xe phải lập tức quay về.

sequence-0200-00-58-08still004-1625142514.jpg
Tài xế và người đi cùng được kiểm tra thân nhiệt

Trong các mặt hàng nông sản được xuất khẩu, Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành luôn ưu tiên giải quyết thủ tục thông quan cho mặt hàng vải thiều. Lý giải điều này, ông Hà Đức Thuận, Phó trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, các mặt hàng nông sản khác được bảo quản tốt bằng hệ thống làm lạnh nhưng quả vải thiều lại bảo quản thủ công bằng cách ướp đá trong thùng xốp, không thể để lâu. Để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, cần tạo điều kiện xuất khẩu mặt hàng này càng sớm càng tốt.

"Đến thời điểm này thì có vải thiều sớm của Bắc Giang. Vừa rồi có vải của Thanh Hà, Hải Dương. Cập nhật hết ngày hôm qua thì sản lượng vải xuất qua đây đạt 12 ngàn tấn, giá trị đạt khoảng 7 triệu USD. Để phục vụ cho việc xuất khẩu vải và xuất khẩu nông sản trong mùa dịch như thế này, vừa rồi UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo hết sức chặt chẽ, có nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, vừa đảm bảo việc xuất khẩu, vừa đảm bảo mục tiêu kép chống dịch”, ông Thuận cho biết.

Vừa qua, từ khi có chuyến hàng quả vải tươi đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc, cán bộ, công chức hải quan đã làm việc sớm hơn 30 phút vào buổi sáng, kéo dài 30 phút vào buổi chiều để tiếp nhận và giải quyết thủ tục thông quan cho mặt hàng trên. Đồng thời, tăng cường nhân lực tham gia các tổ phòng chống dịch Covid-19, tổ điều tiết phương tiện tại cửa khẩu.

sequence-0200-01-32-09still005-1625142514.jpg
Tài xế Trung Quốc đổi lái, trả xe cho tài xế Việt Nam

Bình quân mỗi ngày, có khoảng 240-250 xe chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Trong đó, có từ 70-80 xe chở vải thiều, hầu hết đến từ Bắc Giang. Đến nay, đơn vị này đã làm thủ tục xuất khẩu hơn 10 nghìn tấn vải thiều sang Trung Quốc, trị giá tới hơn 5 triệu USD (trung bình hơn 800 tấn quả vải thiều/ngày). Đặc biệt, dù lượng xe chở quả vải thiều tăng mỗi ngày nhưng không xảy ra tình trạng ùn ứ hay bức xúc trong các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

Khác với mọi năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu vải thiều cũng gặp phải nhiều khó khăn. Đơn cử như việc chở hàng sang Trung Quốc sẽ do lái xe nước bạn đảm nhiệm tại vị trí quy định, tốc độ lưu thông xe chở nông sản nhanh hay chậm phụ thuộc vào lượng tài xế Trung Quốc bố trí,... Tuy nhiên, lực lượng biên phòng Việt Nam cũng thường xuyên liên lạc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thông quan.

Ông Hà Đức Thuận, Phó trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết thêm: “Đến thời điểm này, do cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu, phía Trung Quốc vẫn chưa cho nhập cảnh đối với người. Chỉ làm thủ tục xuất nhập cảnh với phương tiện. Từ thời điểm cuối năm ngoái đến giữa năm nay, vẫn thực hiện phương án bàn giao phương tiện trong khu cách ly cửa khẩu. Theo hướng phương tiện Việt Nam xuất khẩu, sau khi làm thủ tục xuất khẩu thì bàn giao hàng hoá vào khu vực cách ly, bàn giao cho lái xe Trung Quốc. Lái xe Trung Quốc sẽ lái phương tiện về Hà Khẩu. Sang hàng xong họ sẽ lái phương tiện đó về khu cách ly của Việt Nam và bàn giao lại. Quá trình bàn giao đó thì thực hiện bằng online trực tuyến”.

Một lái xe chở nông sản xuất khẩu qua đây chia sẻ: “Bất cập ở chỗ là giờ mà giao xe sang biên bên kia thì nhiều cái không được theo ý mình. Sang bên kia thì nhiều lái, có chỗ lái cứng thì mình không nói nhưng có chỗ lái non. Mình chỉ ngại mỗi vấn đề đấy thôi. Tài sản của mình giao cho người khác ấy”.

Đánh giá đúng tình hình, ngành chức năng tỉnh Lào Cai đã xây dựng các kịch bản cụ thể để giảm ùn tắc phương tiện, hàng hóa qua cửa khẩu và tại các kho bãi, vừa đảm bảo yêu cầu phòng dịch, vừa đảm bảo hoạt động thông thương.

 

Thạch Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/nhieu-kich-ban-giup-doanh-nghiep-thuan-loi-xuat-khau-nong-san-qua-cua-khau-lao-cai-p9305.html