Gây rối, cản trở người khác xây nhà đúng pháp luật có thể bị phạt tù

Trong trường hợp chủ nhà có đầy đủ giấy tờ, thủ tục và được cơ quan chức năng cho phép xây dựng, nếu một cá nhân hay nhóm người khác có hành vi sử dụng vũ lực, vũ khí hoặc tụ tập, lôi kéo người khác cản trở hoạt động của các phương tiện khi chở nguyên vật liệu cho bạn, cản trở việc xây dựng công trình, v.v... thì có thể xem xét đến yếu tố gây rối trật tự công cộng. Và tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện nay, việc xây dựng nhà ở dân dụng hoặc các công trình phúc lợi công cộng, các dự án của các doanh nghiệp đều phải tuân thủ theo Luật xây dựng năm 2014 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Trong thực tế ddax phát sinh nhiều tranh chấp khi quá trình thi công  gây lún nứt, gây thiệt hại cho các hộ liền kề. Có vụ việc hai bên thiện chí giải quyết, nhưng cũng có vụ thiếu thiện chí, thậm chí chỉ vì “con gà tức nhau tiếng gáy” mà không tiến hành hòa giải hay giải quyết theo pháp luật khi cơ quan chức năng can thiệp, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho đôi bên, cả về kinh tế và tinh thần. 

Công trình xây dựng tại số 131 phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội rơi vào tình trạng xây dựng giang dở suốt 12 năm qua là một ví dụ điển hình.

Cụ thể: Ngày 11/08/2009, UBND quận Ba Đình cấp Giấy phép xây dựng số 697/GPXD-UBND cho Ông Trần Ngọc Châu và bà Nguyễn Thị Hà cho lô đất 137,3m2 đứng tên hai ông bà. 

Trong quá trình xây dựng, có 6 hộ liền kề đã xảy ra tình trạng lún, nứt. Chủ đầu tư đã chủ động liên hệ, hoà giải và đền bù cho các hộ dân theo quy định. Tuy nhiên, có 2 trong số 6 hộ không thiện chí hoà giải, không hợp tác với chính quyền địa phương để thẩm định và bồi thường, thậm chí cản trở công tác thẩm định. Chủ đầu tư công trình 131 Đội Cấn cũng như UBND phường Đội Cấn rất nhiều lần mời 2 hộ còn lại ra làm việc, nhưng đều không có sự hợp tác.

doi-can00-01-05-08still014-1625468632.jpg
Biên bản làm việc, chứng kiến việc bồi thường thiệt hại cho 4 trong 6 hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình 131 phố Đội Cấn

Công trình 131 Đội Cấn cứ thế đình trệ đến tận năm 2018, thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, tổn thất nhiều về tinh thần. Căn cứ quy định pháp luật, UBND phường Đội Cấn đã đề nghị chủ đầu tư nộp 200 triệu đồng tiền bảo lãnh vào kho bạc, làm căn cứ để đền bù cho 2 hộ dân sau này. 

Chấp hành yêu cầu, ngày 21/12/2018, tại Agribank chi nhánh Bắc Hà Nội, chủ đầu tư đã nộp số tiền 200.000.000 đồng vào tài khoản được phong tỏa phục vụ cho việc đền bù sau này.

Ngày 27/5/2019, ông Trần Ngọc Châu và bà Nguyễn Thị Hà được UBND quận Ba Đình cấp Giấy phép xây dựng số 255/GPXD-UBND về Điều chỉnh Giấy phép xây dựng số 697/GPXD-UBND cấp ngày 11/08/2009.

Ngày 18/06/2019, UBND phường Đội Cấn tiếp tục gửi Thông báo số 385/TB-UBND đến ông Trần Ngọc Châu và các hộ liền kề với nội dung: UBND phường sẽ tiếp tục giải quyết việc đền bù lún, nứt theo quy định pháp luật khi các hộ dân bị thiệt hại phối hợp. Chủ đầu tư công trình xây dựng số 131 phố Đội Cấn đã hoàn thiện hồ sơ theo quy định pháp luật và được phép khởi công để tiếp tục thi công xây dựng công trình theo quy định.

doi-can00-02-04-20still011-1625468632.jpg
Giấy phép xây dựng đối với công trinh số 131 phố Đội Cấn do UBND quận Ba Đình cấp

Tại Điều 3, Thông tư 03/2018/TT – BXD ngày 24/4/2018 của Bộ xây dựng và Điểm c, Khoản 11, Điều 15 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định, sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, chủ đầu tư và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được về việc bồi thường thiệt hại và một bên có đơn yêu cầu gửi chủ tịch UBND cấp xã giải quyết thì được thực hiện theo trình tự như sau: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức thỏa thuận lần đầu; Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành hoặc không tổ chức được thỏa thuận lần đầu do một trong các bên vắng mặt, chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thỏa thuận lần hai; Tại buổi thỏa thuận lần hai mà một trong các bên vắng mặt không có lý do chính đáng thì chủ tịch UBND cấp xã quyết định thuê tổ chức tư vấn, có tư cách pháp nhân để xác định mức bồi thường thiệt hại. Chi phí thuê do chủ đầu tư chi trả. Sau khi xác định mức bồi thường thiệt hại, chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư chuyển tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng do UBND cấp xã làm chủ tài khoản. Chủ đầu tư chỉ được tiếp tục thi công xây dựng sau khi đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng;

Căn cứ theo thông tư, nghị định trên, thì việc xử lý của UBND phường Đội Cấn là đúng quy định pháp luật. 

doi-can00-00-42-07still011-1625468632.jpg
Công trình xây dựng tại số 131 phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội rơi vào tình trạng xây dựng giang dở suốt 12 năm qua.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình hoàn thiện công trình, chủ đầu tư vẫn bị một số người có hành vi cản trở, gây khó khăn cho việc thi công. Quá mệt mỏi, chủ đầu tư đã chuyển nhượng lại công trình cho ông Nguyễn Vũ Dũng Hà (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) vào tháng 4/2021. 

Và ông Hà đang phải gánh những khó khăn, vất vả của vợ chồng ông Châu trước kia, khi trong quá trình hoàn thiện liên tục bị một số người cản trở, gây khó.

Ông Nguyễn Vũ Dũng Hà, cho biết: "Ngày 3/6, chúng tôi có xuống và rất muốn ngồi nói chuyện với 2 gia đình chị Mai và chị Huệ, để xem thiệt hại của gia đình như thế nào. Trên tinh thần thiện chí, chúng tôi rất muốn được đền bù cho 2 gia đình với mức cao nhất, nhưng phải đúng với pháp luật, để cho công trình 131 của chúng tôi được tiếp tục xây dựng. Nhưng không hiểu lý do gì mà khi chung tôi đến nói chuyện, cả 2 gia đình chị Mai và chị Huệ không chịu nói chuyện, mà cứ chửi và lăng mạ chúng tôi. Chúng tôi đã báo cáo sự việc đến các cấp chính quyền. Đến nay, chúng tôi cũng chưa biết làm cách nào để hoàn thiện dự án, mặc dù chúng tôi có đầy đủ giấy tờ và thủ tục để xây dựng công trình".

Làm gì trước khi xây nhà?

Trước khi tiến hành xây dựng (sau khi đã có GPXD) chủ nhà cùng với nhà thầu thi công nên mời UBND phường giúp tiến hành khảo sát, chụp ảnh, quay phim chi tiết ghi nhận hiện trạng nhà bên cạnh. Việc này làm cơ sở cho việc xác định mức độ thiệt hại có thể có trong quá trình thi công. Để đảm bảo an toàn cho công trình lân cận trong quá trình thi công, chủ nhà cần phải thuê đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công có đủ năng lực để thực hiện.

Chủ nhà lân cận nên làm gì?

Khi hàng xóm xây nhà, chúng ta nên chủ động trao đổi với chủ thầu để biết được kỹ thuật thi công có đảm bảo không; đồng thời yêu cầu công trình phải được che chắn, có biện pháp chống nghiêng, chống sập đối với nhà liền kề. Bên cạnh đó cần lưu ý thêm về ranh mốc, tường chung, an toàn, vệ sinh. Đôi bên thống nhất các phương án bồi thường nếu xảy ra sự cố, hoặc bồi thường bằng tiền, hoặc sửa chữa trả về hiện trạng ban đầu, tất cả phải thể hiện trên giấy tờ.

doi-can00-04-10-04still013-1625468631.jpg
Ông Hà đang phải gánh những khó khăn, vất vả của vợ chồng ông Châu trước kia, khi trong quá trình hoàn thiện liên tục bị một số người cản trở, gây khó

Trong trường hợp chủ nhà có đầy đủ giấy tờ, thủ tục và được cơ quan chức năng cho phép xây dựng, nếu một cá nhân hay nhóm người khác có hành vi sử dụng vũ lực, vũ khí hoặc tụ tập, lôi kéo người khác cản trở hoạt động của các phương tiện khi chở nguyên vật liệu cho bạn, cản trở việc xây dựng công trình, v.v... thì có thể xem xét đến yếu tố gây rối trật tự công cộng. Và tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm mà hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, người vi phạm ngoài việc bị phạt tiền, có có thể bị xử phạt 2 năm tù giam theo Khoản 1 hoặc tới 7 năm tù giam theo Khoản 2 Điều 218. 

Người đưa tin pháp luật TV sẽ tiếp tục thông tin.

“Điều 5 Nghị định 167. Vi phạm quy định về trật tự công cộng”:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác; ...”

“Điều 318 Điều 318 Bộ luật Hình sự. Tội gây rối trật tự công cộng”:

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.”

 

Ngọc Quang - Phong Hào

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/gay-roi-can-tro-nguoi-khac-xay-nha-dung-phap-luat-co-the-bi-phat-tu-p9307.html