Thấy được tiềm năng thị trường tôm vụ đông là rất lớn, một số nông dân ven biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã tìm tòi, nghiên cứu đưa vào ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà bạt và nỗ lực tìm kiếm phương pháp nuôi tôm hiệu quả, khắc phục thách thức từ thời tiết cho thu nhập từ 9 đến 10 tỷ đồng/ha.
Ông Đặng Thanh Tân, khối 8, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho biết: “Tôi đang nuôi 4ha tôm thương phẩm theo quy trình BIOFLOC đây là quy trình an toàn về môi trường, an toàn về phòng ngừa dịch bệnh đồng thời, ít gây ô nhiễm, xả thải ra môi trường. Năm 2000-2005 năng xuất nuôi chúng tôi chỉ đạt khoảng từ 5 tạ/ha đến 7 tạ/ha, đến nay nhờ ứng dụng khoa học công nghệ việc nuôi thương phẩm đã có thể đạt từ 30 tấn đến 40 tấn/ha/một vụ nuôi”.
Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản huyện Kim Sơn là hơn 3,300 ha, chủ yếu là nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, tôm thẻ chân trắng bán thâm canh và thâm canh, nuôi ngao. Trước đây chưa ứng dụng công nghệ cao thì giá trị 1 ha canh tác của vùng chỉ được 100 - 150 triệu/ha nhưng hiện nay đã đi đầu về giá trị trong 1ha canh tác đã đạt được tới 200 triệu/ha/năm trong khi bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 139 triệu.
Ông Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình thông tin: “Các mô hình này đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế và hạn chế được rủi ro cho các hộ nuôi, nhờ đó góp phần tạo công ăn việc làm rất lớn cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Để đảm bảo các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng hàng năm trạm thủy sản Kim Sơn, Yên Khánh tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn về các kỹ thuật, tổ chức xây dựng các mô hình điểm để thực hiện, từ đó mời các hộ để thăm quan học tập và nhân rộng lên”.
Hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy sản Ninh Bình là hơn 14 nghìn ha, giá trị sản xuất đạt gần 2 nghìn tỷ đồng, các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đang áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như xây dựng các mô hình nuôi ao tròn, mô hình nuôi nhà lưới, mô hình sử dụng nước nhanh,... nhờ đó đã giúp giảm chi phí, tăng năng suất, giá trị sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Ông Đinh Văn Khiêm, Trưởng phòng nghiệp vụ tổng hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình chia sẻ: “Trong những năm qua, thủy sản được xác định là mũi nhọn của tỉnh, thủy sản của Ninh Bình chiếm 20% cơ cấu nội bộ ngành và thủy sản Nb đã phát triển tăng trưởng trong cơ cấu từ 13% đến nay 20%. Từ kết quả đạt được, chính sách hỗ trợ của tỉnh là hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khoảng 40% chi phí công nghệ cao”.
Với kết quả đạt được, chính sách giai đoạn tới của tỉnh là sẽ tiếp tục hỗ trợ cho vùng nuôi tôm ven biển Kim Sơn và xây dựng vùng nuôi tôm công nghệ cao với quy mô diện tích 6.000 ha từ đê Bình Minh I trở ra Cồn Nổi. Đặc biệt, giai đoạn tới tỉnh Ninh Bình sẽ ưu tiên việc ứng dụng công nghệ cao cho phát triển các sản phẩm chủ lực vùng thủy sản nước mặn, lợ; chú trọng hỗ trợ các tàu đánh bắt xa bờ để khai thác thủy sản gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.
Thạch Thảo - An Nhiên
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/day-manh-ung-dung-cong-nghe-cao-trong-nuoi-trong-thuy-san-p9393.html