Không ít thì nhiều, trong cuộc sống của chúng ta, nhất định sẽ có lúc người khác đến vay nợ, nhờ vả về tiền nông. Không phải ai chúng ta cũng cho vay tiền, hầu hết đối tượng cho vay là bạn bè, người thân, là mối quan hệ.
Chính vì mối quan hệ thân quen, nên hầu hết các trường hợp cho vay đều không có giấy tờ, dẫn đến lúc bên cho vay cần tiền gấp hay đến hạn trả theo thỏa thuận, nhưng bên vay cố tình “chây ỳ” không trả, thậm chí còn quay ngược lại đe dọa, lăng mạ người cho vay. Thực tế, đã không ít trường hợp xảy ra.
Anh Hoàng Văn K, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, công việc của anh là kinh doanh nhỏ, với mức thu nhập 8 - 10 triệu/ tháng. Là người vốn coi gia đình là ưu tiên trong cuộc sống, nên rất nhiều lần anh em, người thân tìm đến anh K để vay tiền. Mặc dù đã có sự chọn lọc, tin tưởng để cho vay, nhưng đến nay anh K vẫn đang gặp khó khăn trong việc đòi lại tiền.
“Kinh tế của mình chỉ đủ trang trải cuộc sống thôi, không nhiều. Nhưng do mối quan hệ gần, mình đã chọn lọc rồi nên tin tưởng để cho vay và hầu như không có giấy tờ gì hết. Chính vì cho vay có sự tin tưởng và chọn lọc nên xảy ra rất nhiều hệ lụy trong khi mình muốn thu hồi lại tiền về. Đặc biệt là những người thân trong gia đình, khi mà họ khó khăn mình sẵn sàng cho vay để họ trang trải công việc trước mắt, nhưng đến lúc mình đòi thì một phần do mình rất ngại nếu đòi gắt, hai là từ tư tưởng lúc đầu mình cho vay đã xác định có những trường hợp sẽ mất trắng, không đòi được tiền. Người thân hỏi mà vay mình không cho thì rất áy náy, nhưng lúc đòi mình cảm thấy rất khó, vì anh em trong nhà rất thân thiết nhau”, anh K chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh tương tự với anh K, anh Lê Xuân D, nhân viên bưu điện, như bao người khác, anh D có những mối quan hệ bạn bè gần xa. Đầu năm 2020, anh D có cho một người bạn khá thân vay 2 triệu. Nghĩ rằng là bạn bè, giúp đỡ nhau là chuyện bình thường, khi bạn mình đã hứa trả đúng hẹn. Thế nhưng, từ đó đến nay người bạn của anh D vẫn chưa trả được số tiền đã vay, mặc dù người này thường xuyên lên mạng đăng ảnh du lịch, vui chơi với cuộc sống dư giả.
Anh Lê Xuân D, cho biết: “Mình có cho bạn mình vay 2 triệu, nhưng về sau không thể đòi được với lý do họ cứ khất lần. Rất nhiều lần mình chủ động liên hệ để xin lại số tiền ấy nhưng họ cứ khất từ lần này đến lần khác. Trong lúc đó bạn ý đăng ảnh lên mạng đi chơi chỗ này chỗ kia, cafe,... với cuộc sống sung sướng”.
Việc vay tiền không trả của người bạn đã khiến tình cảm giữa anh D và bạn của mình bị ngăn cách bởi một rào cản mang tên “chủ nợ và con nợ”, khiến cho tình bạn đẹp của cả 2 trở nên phai dần theo thời gian. Một sự đánh đổi không đáng có.
“Một hôm, mình đến nhà bạn ấy chơi, mục đích chỉ để thăm 2 bác và để xem bạn mình có nhớ đến để trả số tiền đó không. Nhưng đến nhà thì bạn mình liền tỏ thái độ, kéo mình ra quán nước và gây xích mích với mình, nghĩ rằng mình không đòi được tiền của bạn ý nên đến nhà đòi tiền từ bố mẹ bạn ý, nhưng mình thì không hề có ý định như thế, ai vay thì người đó trả. Cho đến nay đã mất liên lạc với nhau, nhiều lần gọi điện rủ bạn ấy uống nước cũng không khó”, anh D nghẹn ngào chia sẻ.
Như vậy gia đình hay bạn bè đều là những mối quan hệ thân quen, gần gũi, không cho vay mượn khi họ cần thì sợ mất tình cảm, nhưng cho vay mà không trả thì thân đến mấy cũng khó có thể chấp nhận được. Và rồi hậu quả người cho vay sẽ phải gánh chịu, có thể mất cả tiền lẫn tình.
Còn nhiều câu chuyện khác xoay quanh vấn đề “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”, chúng tôi sẽ đề cập ở bài tiếp.
Phong Hào - Đỗ Anh
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/no-vay-ky-su-chay-y-tra-no-van-len-mang-chech-in-cuoc-song-sang-chanh-p9400.html