Tại kế hoạch 243, UBND TP Hà Nội ban hành Phụ lục kèm theo hướng dẫn, yêu cầu người dân tổ chức lễ cưới đúng quy định để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Cụ thể, người dân muốn tổ chức lễ cưới thì số lượng người tham dự lễ cưới: Không tập trung quá 30 người/thời điểm.
Những người thuộc diện cách ly hoặc theo dõi sức khỏe hoặc có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 (ho, sốt, khó thở, đau rát họng, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác...) thì không tham dự.
Người bên ngoài gia đình chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin thì không nên tham dự lễ cưới.
Ban tổ chức, nhân viên phục vụ lễ cưới (Cơ sở sự kiện, nhà hàng, nhà thờ...) 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vắc xin/đã khỏi bệnh Covid-19.
Phải tuân thủ 5K trong quá trình tham dự; luôn giữ khoảng cách giữa các bàn, người giữa các bàn không tiếp xúc gần với nhau; gia đình không thực hiện chúc mừng tại từng bàn.
Ký cam kết tuân thủ quy định và chịu sự giám sát của chính quyền địa phương và rút ngắn tối đa thời gian tổ chức lễ cưới.
Địa điểm tổ chức lễ cưới: Đảm bảo thông thoáng, tăng cường thông khí, hạn chế sử dụng điều hòa và thực hiện các hướng dẫn khác của Bộ Y tế, Thành phố.
Nhìn chung, các xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ đều thực hiện tốt kế hoạch 243 của TP và chỉ đạo của huyện. Phúc Thọ thời gian qua cũng là lá cờ đầu của Thủ đô trong công tác phòng chống dịch, thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo huyện cũng như cả hệ thống chính trị.
Ông Kiều Trọng Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, cho biết: “Huyện không những chỉ đạo bằng văn bản mà còn chỉ đạo trực tiếp, trực tuyến rất là rõ, cụ thể, huyện còn giám sát và đi kiểm tra thực tế, về cơ bản đến thời điểm này huyện Phúc Thọ thực hiện rất là tốt, ý thức người dân cũng rất là thấm. Tất cả mọi thứ sai đến đâu thì xử lý theo quy định”.
Tuy nhiên, ở xã Tam Hiệp, lãnh đạo xã lại có xu hướng chủ quan, lơ là, đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của huyện, của Thành Phố.
Theo ghi nhận của PV, ngày 27/11, tại trục đường chính dẫn vào UBND xã có 3 hộ gia đình tổ chức lễ cưới một cách rất linh đình.
Khoảng 15h, cả 3 lễ cưới bắt đầu đón khách, hàng trăm người đi ăn cỗ nói chuyện rôm rả khiến con đường trở nên rất nhộn nhịp.
Lễ cưới thứ nhất cách UBND xã chừng hơn 400m, hàng xe máy xếp dài dưới đường, dù được chuẩn bị sẵn khẩu trang và dung dịch sát khuẩn nhưng không một ai sát khuẩn, việc đo thân nhiệt cũng không được thực hiện.
Tại lễ cưới thứ hai, cách UBND xã chừng hơn 200m, người dân đi ăn cỗ như đi hội, cả chục mâm khách kê sát nhau và cũng không có biện pháp nào thực hiện 5K của Bộ y tế đối với khách tham dự.
Ở lễ cưới thứ ba chỉ cách UBND xã chừng 100m, được tổ chức rất hoành tráng và linh đình. Rạp cưới kéo dài qua nhà hàng xóm, tràn xuống lòng đường với khoảng 40 mâm khách kê sát nhau mà không giữ khoảng cách giữa các bàn, và người giữa các bàn không tiếp xúc gần theo kế hoạch của UBND TP yêu cầu, không thực hiện 5K của Bộ y tế đối với khách tham dự.
Một nam thanh niên, nhận là anh trai cô dâu cho biết lễ cưới tổ chức trong cả ngày: “Buổi sáng 25 mâm cỗ, buổi chiều 65 mâm, mình là anh trai cô dâu”.
Nếu đúng như người này nói thì chỉ riêng lễ cưới này đã có 90 mâm cỗ, tương đương khoảng hơn 500 khách. Tính cả 3 lễ cưới ước chừng cả ngàn người tham dự.
Tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp, các ca bệnh ngoài cộng đồng liên tục tăng. Theo Sở Y tế TP Hà Nội, riêng trong ngày 27/11, Hà Nội đã ghi nhận 272 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 146 ca ngoài cộng đồng, đến ngày 3/12, trong một ngày, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 791 ca dương tính, trong đó có gần 200 ca ngoài cộng đồng.
Thế nên, việc tổ chức lễ cưới tập trung đông người cùng một thời điểm là vi phạm nghiêm trọng công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, của Bộ y tế và Kế hoạch của UBND TP Hà Nội. Từ đó có nguy cơ dịch bệnh bị bùng phát, lây lan.
Liên quan đến việc tổ chức lễ cưới, thời gian qua, một số tỉnh thành trên cả nước liên tục ghi nhận nhiều ca F0 đi tham dự đám cưới khiến nhiều khu vực bị phong tỏa, nhiều ca F1 bị cách ly, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống, kinh tế và ANTT tại địa phương.
Cụ thể như: Ngày 16/1, người đàn ông 41 tuổi đi từ Hà Nội về xã Long Xuyên, Kinh Môn, Hải Dương ăn cưới. Ngày 23/1, người này tiếp tục đến xã Thụy Việt (Thái Thụy, Thái Bình) ăn đám cưới, sau đó, xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Mới đây nhất là một nữ bệnh nhân sinh năm 1996, ở xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Ngày 23/11, nữ bệnh nhân này là cô dâu được đón tỉnh Hà Tĩnh về nhà chồng tại Nam Định. Ngày 29/11, chị có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Vì vậy, cả đoàn đón dâu trở thành các F1.
Tại xã Hồng Hà và Tân Lập thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội cũng đang phức tạp do có F0 đến dự đám cưới.
Trở lại vấn đề 3 đám cưới tổ chức tụ tập đông người tại xã Tam Hiệp, sau khi tiếp nhận thông tin từ PV, lãnh đạo huyện Phúc Thọ đã chỉ đạo xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định.
Đám cưới là việc lớn của một đời người, nhưng covid là vấn đề liên quan mạng sống của hàng triệu con người.
Các địa phương cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền tới nhân dân, cũng như phải tăng cường giám sát việc thực hiện Kế hoạch 243 của UBND TP Hà Nội.
Chỉ có như vậy thì niềm vui của gia đình này mới không biến thành nước mắt của gia đình kia, tiếng cười của gia đình này không biến thành tiếng khóc của gia đình khác.
Quốc Long - Phong Hào
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/ha-noi-xuat-hien-tam-ly-chu-quan-lo-la-chong-dich-o-mot-so-dia-ban-p9418.html