Bài 1: Đê sông Hồng oằn mình cõng xe qua quá tải, quá khổ

Vấn nạn xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các trục đường ở Hà Nội, đặc biệt trên đê tả sông Hồng và đê hữu sông Hồng ngày càng nhức nhối. Mỗi ngày, hàng ngàn lượt xe lưu thông qua nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mất vệ sinh môi trường, cơ sở hạ tầng bị xuống cấp, gây mất an toàn cho tuyến đê cấp đặc biệt hai bên bờ sông.

Ngày 15/3/2021, Cục cảnh sát giao thông, Bộ công an ban hành Kế hoạch số 1146/KH-C08-P8 về việc tuần tra, kiểm soát, xử lý, vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn và tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ (từ 20/3 đến 31/12/2021).

Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 100/2019, ngày 31/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; Kế hoạch thực hiện từ ngày 20/3 đến hết ngày 31/12/2021. 

Từ ngày 20/3 đến 31/3/2021, lực lượng CSGT tổ chức tuyên truyền và phối hợp với các đơn vị chức năng yêu cầu các chủ doanh nghiệp vận tải ký cam kết không chở hàng quá tải trọng và quá khổ. Nhìn chung, các lực lượng đều thực hiện tốt đảm bảo mục đích yêu cầu đã đề ra. 

z3047368520965-f063250244791780418b8b6576a07f90-1640249332.jpg
Nhìn chung, các lực lượng đều thực hiện tốt đảm bảo mục đích yêu cầu đã đề ra

Tuy nhiên, qua nghiên cứu và ghi nhận thực tế của PV, những xe chở vật liệu xây dựng từ các bến bãi bãi tập kết vật liệu xây dựng khu vực bờ, bãi ven sông đi tiêu thụ đều có dấu hiệu cơi nới thành thùng, quá tải, quá khổ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, sự an toàn của hệ thống đê, tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Tại tuyến đê Tả sông Hồng đoạn từ cầu Thanh Trì đi xã Bát Tràng huyện Gia Lâm đã có biển cấm các xe có trọng tải trên 18 tấn được lưu thông nhưng mỗi ngày, hàng trăm lượt xe ô tô tải liên tục ra vào trạm trộn bê tông của Công ty bê tông Việt Tiệp, bê tông Chèm, bê tông Việt Úc ven bờ sông Hồng thuộc xã Đông Dư, huyện Gia Lâm để chở nguyên vật liệu, bê tông thành phẩm.

Các loại xe tải này đều có dấu hiệu được cơi nới thành thùng xe, dài từ 3 đến 6 chân, trọng tải lên đến chừng 50 tấn. Chủ yếu là các nhà xe như: Minh Tâm, Soltec, PTH, An Viên Hợp Nhất…

z3047368528489-ebc3188d2f17ca528fce21de6936bddb-1640249332.jpg
Hàng trăm lượt xe ô tô tải liên tục ra vào trạm trộn bê tông của Công ty bê tông Việt Tiệp, bê tông Chèm, bê tông Việt Úc ven bờ sông Hồng thuộc xã Đông Dư, huyện Gia Lâm để chở nguyên vật liệu, bê tông thành phẩm

Trên đê Hữu Hồng, đoạn qua các phường Thượng Cát, Liên Mạc, Thuỵ Phương, Đông Ngạc thuộc quận Bắc Từ Liêm dù đã có biển cấm các loại xe có trọng tải trên 13 tấn nhưng theo ghi nhận của PV, tại đây, hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt xe tải có trọng tải 25 đến 40 tấn của các nhà xe như: LD, PTH, Thanh Tùng… đi qua.

Tại  huyện Thường Tín, việc lưu thông xe trọng tải lớn cũng diễn ra nhiều và phức tạp để vận chuyển vật liệu xây dựng từ các bãi tập kết ven bờ sông thuộc các xã Hồng Vân, xã Thống Nhất và thị trấn Phú Minh. Đa số là các nhà xe: Cương Linh, PTH, Phong Cảnh…

Tình trạng xe tải trọng lớn lưu thông trên các tuyến đê diễn ra trong suốt nhiều năm, cử tri đã có nhiều ý kiến đến các cơ quan chức năng của Thành phố nhưng tình trạng này không mấy được cải thiện. 

z3047368542603-6c85ef4e85190c72c4c07dee773dc511-1640249332.jpg
Nhiều phương tiện mang tên các nhà xe: Cương Linh, PTH, Phong Cảnh… có dấu hiệu vi phạm trọng tải lưu thông hàng ngày trên tuyến đường đê, đoạn qua huyện Thường Tín

Hàng năm, UBND thành phố Hà Nội phải bỏ ra một khoản ngân sách không nhỏ để duy tu, sửa chữa các tuyến đường để cho nhân dân lưu thông thuận tiện, nhưng bên cạnh đó thì có những tổ chức cá nhân chưa tuân thủ các quy định của pháp luật khiến “hầu bao” của Thành phố hàng năm cứ bị vơi, nhưng “ hầu bao” của những cá nhân, doanh nghiệp vận tải cứ ngày một đầy lên, một nghịch lý ai cũng biết.

Có nhiều cơ quan chức năng được phân công nhiệm vụ như: Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão; các Hạt quản lý đê điều; UBND các quận, huyện; Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông các quận, huyện để xử lý tình trạng này, nhưng dường như “cha chung không ai khóc” vì thế những con đê vẫn phải oằn mình theo thời gian, nạn xe “Vua”, xe quá tải vẫn là nỗi kinh hoàng của người tham gia giao thông, là tác nhân gây ôi nhiễm môi trường, gây lãng phí tiền của của nhân dân.

z3047368563586-371ee2c04f6a861c404f660e72c7f7e6-1640249332.jpg
Hàng năm, UBND thành phố Hà Nội phải bỏ ra một khoản ngân sách không nhỏ để duy tu, sửa chữa các tuyến đường đê

Thiết nghĩ, Bộ công an cần đánh giá việc thực hiện chuyên đề một cách nghiêm túc để khen thưởng những đơn vị làm tốt, kiểm điểm, phê bình những đơn vị yếu kém nhằm thực hiện tốt hơn trong những năm tới. Chính quyền các tỉnh, thành phố cần quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, thường xuyên thanh, kiểm tra để xử lý tổ chức cá nhân vi phạm, xử lý cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Truyền hình Người đưa tin sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/bai-1-de-song-hong-oan-minh-cong-xe-qua-qua-tai-qua-kho-p9431.html