Như đã thông tin, thời gian qua trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng xe quá tải, xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông trên các tuyến đường gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT diễn ra thường xuyên, có dấu hiệu của việc làm ngơ của các lực lượng chức năng để các đoàn xe vi phạm tha hồ tung hoành ngang dọc trên các nẻo đường thành phố.
Điểm chung của các đoàn xe này là đều gắn logo và có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng luật giao thông đường bộ, nhưng vẫn được lưu thông mà không bị xử lý theo quy định.
PV ghi nhận trên đê Tả sông Hồng đoạn qua xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, các xe này đều mang logo của nhiều nhà xe như: Minh Tâm, PTH, Soltech, An Viên Hợp Nhất, ĐV, xe bồn của bê tông Việt Tiệp, bê tông Chèm. Đặc biệt, các đoàn xe gắn logo PTH, bê tông Việt Tiệp, bê tông Chèm xuất hiện nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố như tuyến đê qua các phường thuộc Bắc Từ Liêm, tuyến đê thuộc các phường từ quận Hoàng Mai đến huyện Thường Tín.
Trong đó, xe logo Minh Tâm, thuộc Công ty TNHH thương mại Minh Tâm, có địa chỉ tại số 21 đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội; Xe logo Soltech, thuộc Công ty CP môi trường Soltech, địa chỉ tại khu tái định cư Phú Diễn, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Xe logo PTH, thuộc Công ty TNHH vận tải và thương mại Phương Thành Hợp, có địa chỉ tại thôn Phú Liễn, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội; Xe logo An Viên Hợp Nhất, thuộc Công ty CP An Viên Hợp Nhất, địa chỉ tại ngõ 123 Thụy Phương, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Chạy xe vào giờ cấm, đường cấm
Theo quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng từ 1,25 tấn trở lên sẽ không được hoạt động trong giờ cao điểm. Cụ thể, đối với các loại xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công, chỉ được phép lưu hành từ 21h đến 6h sáng ngày hôm sau và phải có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền. Dù đã có quy định rõ ràng, nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện nghiêm túc khi có các đợt ra quân của thành phố, còn sẵn sàng “lách luật” chạy cả ngày, lẫn đêm.
Theo ghi nhận của PV, những ngày vừa qua trên tuyến đê Tả Hồng và đê Hữu Hồng, xe tải, xe chở bồn vẫn hoạt động liên tục với tần suất cao. Mặc dù quy định trên các tuyến đê Hữu Hồng thì tải trọng không được vượt quá 13 tấn, đê Tả Hồng đoạn có tải trọng cao nhất không vượt quá 18 tấn, tuy nhiên các xe vi phạm này đều mang trọng lượng từ 30 đến 50 tấn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng mặt đường và chất lượng của tuyến đê cấp đặc biệt này.
Xe che chắn không đảm bảo
Các xe chở vật liệu đều không được che chắn đảm bảo, chất cao vượt thùng xe, xe không được rửa khi ra khỏi bến bãi khiến vật liệu rơi vãi khắp nơi trên các tuyến đường.
Người lưu thông trên những tuyến đường có xe tải đi qua thường xuyên phải chịu đựng cảnh khói, bụi, rất khó chịu, còn khi trời mưa thì đường bẩn, trơn trượt gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Xe quá tải trọng và cơi nới thành thùng
Hầu hết các đoàn xe tải đều cơi nới thành, thùng xe với các thực hiện rất tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng. Cụ thể, nếu trước đây việc cơi nới thành, thùng xe thường để lộ vết cắt, hàn chạy dọc theo thùng xe thì nay một số xe tải được gắn “bản lề” cho phần thùng đã cơi nới.
Một cách “tàng hình” khác của các xe tải, đó là sử dụng mảnh bạt dài theo thùng xe, mảnh bạt này luôn luôn ở tình trạng thả xuống, che chắn phần thành, thùng xe đã được cắt và hàn lại. Với hành vi cơi nới thành, thùng, chở hàng không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nếu ôtô tải cơi nới thùng chở hàng hàng không đúng quy định, tài xế và chủ xe cùng sẽ bị phạt.
Theo Điểm đ, Khoản 3, Điều 16, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với lái xe vi phạm.
Tại Điểm e, Khoản 9, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và Tem kiểm định của phương tiện từ 01 tháng đến 03 tháng; buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông;”.
Quy định là như vậy, với nhiều lỗi vi phạm rất nghiêm trọng nhưng các đoàn xe “vua” vẫn tồn tại, vẫn lưu thông, vẫn “làm mưa làm gió” trên các tuyến đường. Dư luận đang đặt câu hỏi nghi vấn về việc các cơ quan chức năng như Chi cục đê điều, CSGT TP Hà Nội, Thanh tra Sở GTVT TP Hà Nội có “bảo kê” để cố tình làm ngơ với những đoàn xe này hay không?
Đã đến lúc cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của UBND TP Hà Nội, sự vào cuộc nghiêm túc của các ngành, các quận huyện trong triển khai thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Cần kiểm tra công vụ đối với những lực lượng được giao nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ đê điều để tìm ra những sai phạm trong quá trình thực thi công vụ để dẹp bỏ vấn nạn xe “vua” trên những tuyến đường này.
Truyền hình Người đưa tin sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/bai-2-can-manh-tay-voi-xe-vua-nao-loan-tren-dia-ban-thu-do-p9439.html