BHXH và doanh nghiệp ứng phó với khó khăn hậu Covid-19

Bảo hiểm xã hội luôn là một chính sách xã hội nhân văn, là chỗ dựa vững chắc của người lao động và doanh nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tới ngày 24/11/2021, tổng nhu cầu sử dụng ngân sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 khoảng 17.276 tỷ đồng, hỗ trợ trên 11,7 triệu đối tượng. 

Trong đó, có 774.700 người tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, chấm dứt hợp đồng lao động; hơn 240.100 người mang thai, nuôi con nhỏ, trẻ em trong vùng dịch; 961.600 người cách ly, điều trị Covid; hơn 11.000 người hoạt động nghệ thuật,...

Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho vay vốn trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất hơn 1000 đơn vị với tổng kinh phí cho vay 572 tỷ đồng.

bhxh1-1653892452.jpg
Theo thống kê của Bộ Tài chính, đã có trên 11,7 triệu đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Đặc biệt, việc sử dụng 38.000 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp cũng như giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã cho thấy vai trò điều tiết xã hội của Nhà nước ta một cách kịp thời, ý nghĩa với thị trường lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây nên.

Tuy nhiên, vẫn còn một số những hạn chế nhất định liên quan đến BHXH nói chung như phạm vi bao phủ chưa đầy đủ, còn nhiều doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH cho người lao động khiến họ không được nhận những quyền lợi chính đáng của mình nên có; tình trạng người lao động nhận BHXH một lần còn nhiều; người lao động di cư ào ạt do tác động của dịch bệnh,...

bhxh2-1653892600.jpg
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và người lao động đã phải lao đao vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Đứng trước những khó khăn trên, Nhà nước đã có các chính sách tài chính, tín dụng như giảm lãi suất cho vay, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiếp tục giãn nợ, miễn giảm một số loại thuế phí,... ban hành các gói hỗ trợ, tiêm vaccine cho người lao động trong doanh nghiệp nhằm miễn dịch cộng đồng,... 

bhxh3-1653892452.jpg
Hội thảo khoa học về Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19 đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

Ngoài những biện pháp trên, trong Hội thảo khoa học về Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển giai đoạn hậu Covid-19, Tiến sĩ Phạm Đình Thành, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp giúp doanh nghiệp sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Trong đó, nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; Xây dựng thêm quyền lợi của chế độ BHTN để giữ chân người lao động ở lại với doanh nghiệp vượt khó như trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành thời gian qua; Hạn chế việc người lao động nhận BHXH một lần; Quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người lao động, góp phần cho sự phát triển bền vững của các khu công nghiệp, các địa phương, phân bố lại dân cư, lao động một cách hiệu quả trên phạm vi cả nước.

Thạch Thảo

Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/bhxh-va-doanh-nghiep-ung-pho-voi-kho-khan-hau-covid-19-p9518.html