Trước đó, ngày 25/5, Công an huyện Gia Lộc đột kích, kiểm tra phát hiện Cty CP Thương mại vận tải Gas Hồng Phát (thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) tổ chức sang chiết, buôn bán số lượng lớn gas giả thương hiệu.
Được biết, cơ sở do ông Phạm Văn Hoán (SN 1983, là Giám đốc), bà Bùi Thị Hương (SN 1980, Phó Giám đốc), cả hai ở cùng địa chỉ với công ty, cùng một số công nhân đang có hành vi sang chiết Gas trái phép từ bình gas công nghiệp loại 45kg hãng Vinashin sang các bình loại 12kg có in logo của các hãng gas Petro, Venus.
Theo khai nhận, mỗi một bình (loại 45kg) sau khi được sang chiết bán ra thị trường, công ty thu lợi được khoảng từ 70 đến 100 nghìn đồng/bình so với bình gas chính hãng. Mỗi ngày công ty thu lợi được khoảng từ 4 đến 4,5 triệu đồng.
Nhận thấy nguồn lợi lớn từ việc gas tăng giá thời gian qua, lãnh đạo Công ty Gas Hồng Phát đã chỉ đạo công nhân nhập bình gas loại 45kg từ một công ty tại huyện Cẩm Giàng có giá trị đầu vào thấp hơn về sang chiết sang các bình loại 12kg, gắn niêm màng co và tem chống hàng giả của gas hãng Petro, Venus. Sau đó, đem đi bán lẻ ở Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình như giá gas hàng chính hãng.
Công an huyện Gia Lộc đã thu giữ 299 bình gas loại 12kg có vỏ ngoài ghi hãng Petro, Venus là các bình gas của Công ty bán ra cho các đại lý ở các địa bàn tỉnh Hải Dương, tỉnh Ninh Bình và Hưng Yên. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở ngành và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vụ việc để xử lý các trường hợp có liên quan.
Trước đó, Người đưa tin TV đã có nhiều bài viết, phản ánh tình trạng gas lậu, sang chiết gas trái phép, gây nguy cơ cháy nổ cao, làm mất an toàn cho những khu vực dân cư sinh sống xung quanh các cơ sở này ở Hải Dương.
Theo Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí: Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 06 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất, v.v…
Khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định khung hình phạt đối với người phạm tội “sản xuất, buôn bán hàng giả” là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người nào sản xuất, buôn bán hàng giả mà trong đó hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này.
Khoản 2 Điều 192 quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức…
Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng địa phương cần xử lý mạnh tay, khởi tố vụ án hình sự nếu đủ cơ sở để răn đe các đối tượng, đảm bảo an toàn cháy nổ, bảo vệ cuộc sống của người dân địa phương.
Thạch Thảo
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/dot-kich-bat-giu-so-luong-lon-gas-gia-thuong-hieu-o-hai-duong-p9519.html