Những năm qua, cờ bạc qua mạng internet ngày càng nở rộ, biến tướng đa dạng với nhiều hình thức khác nhau. Từ lô đề, cá độ bóng đá cho đến đánh bài, tài xỉu đá gà... Những kẻ cầm đầu đường dây đánh bạc qua mạng luôn tìm mọi cách để dụ dỗ, lôi kéo người chơi với nhiều chiêu thức tinh vi. Từ việc thông qua mạng xã hội, tin nhắn quảng cáo, họ còn khéo léo bố trí người chơi rồi chia sẻ trực tuyến nhằm kích thích tính háo thắng của nhiều người.
Hình ảnh người chơi bạc online xuất hiện ngập tràn trên hầu hết các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tikok, Youtube…Đơn cử, chỉ với từ khóa “livestream tài xỉu” trên ứng dụng Facebook, chỉ chưa đến 1 giây, đã xuất hiện hàng loạt kết quả với hình ảnh người chơi đang bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để đặt cược.
Và đương nhiên, với chiêu thức kích thích vào tính “mong chờ vận may” của nhiều người chơi, nhà cái luôn để những streamer này thắng.
Và từ đó, với những chiêu thức này, không ít người đã trở thành nạn nhân của trò đỏ đen online. Người "dính" nhẹ thì thua sạch tiền, nặng hơn thì cầm cố nhà cửa và đã có những vụ giết người, cướp của vì nợ nần cờ bạc quá nhiều. Nạn nhân của những đường dây cờ bạc này lên đến hàng vạn và rất nhiều người đã tan cửa nát nhà.
Không chỉ thông qua cái lắc tài xỉu, hay những con số từ kết quả xổ số, gần đây, việc chơi chứng khoán thông qua các sàn giao dịch ảo cũng là vấn nạn lớn cho xã hội.
Nhiều người đã tin theo chiêu trò dụ dỗ của các “Chủ tịch”, “thánh đọc lệnh”…mà đã đổ vào các sàn giao dịch này cả chục, trăm và thậm chí hàng tỉ đồng. Để rồi, chỉ sau vài ba lần tăng giảm, số tiền mà họ đưa vào không cánh mà bay. Trớ trêu hơn, nhiều người đổ vào cả tỉ đồng, khi “mã” chứng khoán đó tăng cao, họ muốn bán đi và rút tiền về thì không thể được. Đến lúc đó, họ mới vỡ lẽ rằng mình đã bị lừa.
Đáng báo động hơn, trước sự cảnh báo từ các cơ quan chức năng, từ các cơ quan báo chí, nhưng các sàn giao dịch chứng khoán ảo này vẫn mọc lên như nấm. Số lượng người chơi ngày càng nhiều. Cũng có lẽ do họ thích chơi trò may rủi.
Cùng với đó, với chiêu trò của những kẻ cầm đầu đường dây sàn chứng khoán ảo, như dựng lên một đội ngũ với vỏ bọc bóng bẩy chuyên khoe tiền, khoe xe, thậm chí cắt % hoa hồng cực cao khi giới thiệu được người chơi mới khiến nhiều người lầm tưởng mà lao vào như con thiêu thân.
Gần đây, trước sự biến mất của vị Chủ tịch hội phụ nữ của một phường tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cùng với số nợ hàng tỷ đồng đã khiến nhiều người dân địa phương nơi đây phải điêu đứng và hoang mang. Bằng nhiều cách khác nhau, vị Chủ tịch này đã vay của hàng chục người dân tại địa phương với tổng con số được đồn đoán lên cả hơn 100 tỷ. Và nhiều người dân tại đây cho biết, số tiền này, đã được đầu tư vào tiền ảo. Đến khi sàn tiền ảo này bị sập, vị chủ tịch này không còn khả năng thanh toán nên đã biệt tăm. Vụ việc hiện nay vẫn được Công an quận Nam Từ Liêm tiếp nhận điều tra và làm rõ.
Không chỉ bị mất trắng tài sản, rơi vào cảnh nợ nần. Một số người đầu tư tiền tảo đã phải trả giá bằng tính mạng của mình. Trước số nợ quá lớn, họ đã chọn tự kết liễu bản thân, để giải thoát. Đáng buồn hơn, có trường hợp không chỉ mình họ tìm đến cái chết, mà họ còn sát hại các thành viên trong cùng gia đình mình.
Những lời mời chào hấp dẫn khiến cho các nhà đầu, người chơi tư mụ mẫm, tham gia đường dây đánh bạc online, đổ tiền vào các sàn “tiền ảo rác”, “sàn forex”…để sau một khoảng thời gian thì “đột nhiên bị sập”.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên tắc đầu tư bao giờ cũng là lợi nhuận lớn đi kèm rủi ro cao. Việc các sàn tiền ảo, sàn Forex “bao lời” với lợi nhuận khủng là phi lý, song hầu hết các nhà đầu tư vì ham lợi nhuận mà mất cảnh giác.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tiền ảo là kênh đầu tư có triển vọng tăng giá hấp dẫn nhất hiện nay, song cũng là kênh đầu tư rủi ro số một. Rủi ro đầu tiên là mức độ biến động giá rất mạnh (có thể giảm hàng chục phần trăm trong vài phút). Rủi ro thứ hai là pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền ảo, nếu nhà đầu tư gặp rủi ro sẽ không được bảo vệ. Rủi ro thứ ba là tình trạng lợi dụng tiền ảo Bitcoin, Ethereum… để lừa đảo quá nhiều.
Tại Việt Nam, hiện chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Do vậy, các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Binance, Coinbase… hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định, theo các quy định pháp luật hiện hành, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Chính vì vậy các tổ chức, cá nhân cần thận trọng, không nên đầu tư, nắm giữ cũng như thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết Bộ đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và các bộ, ban, ngành có liên quan nghiên cứu về loại hình đầu tư kinh doanh tiền ảo, từng bước đưa loại hình kinh doanh này vào khuôn khổ, theo chức năng, nhiệm vụ của pháp luật Việt Nam để có thể kiểm soát được.
Quỳnh Anh
Link nội dung: https://tv.nguoiduatin.vn/ham-lam-giau-bang-chung-khoan-co-bac-online-tien-mat-nha-tan-p9523.html